Bàn giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản

Ngày 11-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức cuộc họp với các Hiệp hội gỗ, Lâm sản nhằm đánh giá tình hình chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản những tháng đầu năm 2019 và các giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất gỗ, lâm sản năm 2019 và thời gian tới.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu tại Hội nghị "Bàn giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ, lầm sản năm 2019".

Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu tại Hội nghị "Bàn giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ, lầm sản năm 2019".

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2019 đạt 6,047 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong bảy tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu, đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 87,7% giá trị xuất khẩu lâm sản.

Ở chiều ngược lại giá trị nhập khẩu bảy tháng đầu năm 2019 đạt 1,457 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Cameroon, Chile, Thái-lan là năm thị trường có giá trị nhập khẩu lớn của Việt Nam, đạt 757,6 triệu USD, chiếm 52% giá trị nhập khẩu.

Sáu tháng đầu năm 2019, tổng số dự án FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ là 44 dự án. Tổng nguồn vốn đầu tư của 44 dự án là 135,7 triệu USD, bình quân ba triệu USD/dự án; số vốn đầu tư bình quân vào một dự án của doanh nghiệp Trung Quốc là 2,4 triệu USD/dự án, của các nước khác là 4,3 triệu USD/dự án.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng NN-PTNT, Hà Công Tuấn cho biết: Với những diễn biến về thị trường từ đầu năm đến nay, có thể tin tưởng rằng năm 2019, gỗ và lâm sản sẽ đạt được con số xuất khẩu 11 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội về thương mại, thì có những thách thức về thị trường, nhất là đối với gỗ dán. Tuy nhiên, phải bình tĩnh nhìn nhận vấn đề.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá và báo cáo với Bộ trong tháng 9 này về xu hướng chuyển dịch thương mại, ứng xử như thế nào về truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chống gian lận xuất xứ, nhất là đối với sản phẩm gỗ dán. Cần đánh giá kỹ, hiện có bao nhiêu nhà máy sản xuất kinh doanh gỗ dán, công suất như thế nào, sản xuất thực chất được bao nhiêu, nhu cầu sử dụng gỗ dán cho ngành sản xuất trong nước là bao nhiêu?….

“Việc Mỹ tăng thuế xuất khẩu đối với gỗ dán Trung Quốc là cơ hội cho gỗ dán Việt, và lượng xuất khẩu tăng lên là bình thường. Tuy nhiên, trước tình trạng mặt hàng hiện đang nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại cần xem lại hiện tượng gian lận có hay không, và nếu có thì phải xử lý đến cùng, cần thiết thì cấm các doanh nghiệp này xuất khẩu ngay”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

PHÚC HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41528502-ban-giai-phap-thuc-day-che-bien-xuat-khau-go-lam-san.html