Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2022: Hỗ trợ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Phan Phương Nam - Phó Trưởng khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp, người nộp thuế có thêm nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp để phát triển.

PV: Như ông đã biết, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022. Trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành chính sách gia hạn có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng doanh nghiệp?

TS. Phan Phương Nam

TS. Phan Phương Nam: Tôi cho rằng, việc gia hạn tiền thuế là hết sức cần thiết trong giai đoạn này. Bởi lẽ, hậu Covid-19, nền kinh tế đang gượng dậy và rất cần nguồn tài chính cho quá trình khôi phục. Cho nên, việc Nhà nước gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đã và đang giúp cho doanh nghiệp tạm thời sử dụng nguồn tài chính này (thay vì nộp ngay cho Nhà nước) để thực hiện quá trình tái cấu trúc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mua thêm nguyên vật liệu là một việc làm rất hữu ích và thiết thực cho người nộp thuế nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

PV: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất không phải là chính sách mới, tuy nhiên, việc gia hạn lần này phạm vi khá rộng, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Theo ông, để triển khai hiệu quả chính sách này thì nghị định phải quy định cụ thể như thế nào?

TS. Phan Phương Nam: Theo tôi, để triển khai hiệu quả chính sách này thì nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành cần phải quy định cụ thể các vấn đề sau:

Một là, xác định và khoanh vùng cụ thể các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi này cho chính xác và hợp lý. Theo đó, đối tượng nào được gia hạn và không được gia hạn cần quy định rõ ràng, tránh những trường hợp áp dụng không thống nhất để các chủ thể khác lợi dụng làm mất đi ý nghĩa của chính sách gia hạn nộp thuế.

Hai là, đơn giản các thủ tục nhưng vẫn phải kiểm soát để đảm bảo đối tượng được hưởng đúng theo chủ trương của Nhà nước. Theo đó, việc triển khai nộp thuế có thể tiến hành online trên hệ thống và tránh những vấn đề sai sót không đáng có. Ví dụ như việc cập nhật chậm phần mềm HTKK có thể gây khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực tài chính khi được gia hạn tiền thuế. Ảnh: Minh Nhật

Ba là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn doanh nghiệp để họ hiểu và áp dụng đúng các quy định pháp luật, tránh hiểu sai và áp dụng không chính xác trở thành hành vi vi phạm. Theo đó, ngành Thuế cần có những buổi tuyên truyền phổ biến rộng rãi và quy định về biểu mẫu (và có thể sử dụng cả các clip) để hướng dẫn thao tác cho người dân.

PV: Đối với doanh nghiệp, cá nhân người nộp thuế, cần phải tận dụng quy định này như thế nào để việc hỗ trợ này thiết thực, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh?

TS. Phan Phương Nam: Việc gia hạn nộp thuế không có nghĩa là doanh nghiệp không phải nộp thuế, mà là việc nộp chậm hơn thời gian quy định. Vì vậy, doanh nghiệp cần tận dụng khoảng thời gian được phép chậm nộp thuế đó để sử dụng hợp lý nguồn tài chính này cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Cần tránh sử dụng khoản tiền chậm nộp để tiến hành đầu tư trung và dài hạn, vì điều đó sẽ làm chậm trễ việc nộp thuế khi hết thời gian gia hạn nộp.

Do vậy, quản trị nguồn tài chính cũng là một vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp. Việc vận dụng thiếu hợp lý nguồn tài chính này có thể sẽ làm phát sinh thêm các nghĩa vụ tài chính khác không đáng có của doanh nghiệp, như bị phạt chậm nộp tiền thuế chẳng hạn.

PV: Ông có đề xuất gì về thủ tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất?

TS. Phan Phương Nam: Thật ra, theo đánh giá của tôi thì dự thảo nghị định lần này đã có sự điều chỉnh những điểm bất cập và kế thừa những quy định có tính khả thi từ các nghị định về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất các năm 2020, 2021 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong thực hiện các nội dung của nghị định.

Cụ thể, đó là nghị định đã xác định số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn được thiết kế giãn cách về thời hạn thanh toán, không phải dồn một lần vào thời điểm cuối năm, nên phần nào tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi được gia hạn và khi nộp các khoản này. Bên cạnh đó, mẫu giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước được áp dụng cho nhiều loại thuế và nhiều khoản thu khác nhau, nộp một kỳ nhưng được áp dụng nhiều kỳ. Đồng thời, với việc thiết kế đầy đủ các danh mục để người nộp thuế đối chiếu và xác định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai nộp thuế dễ dàng…

Tuy nhiên, vấn đề tôi quan tâm là cần có quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý thuế trong trường hợp người nộp thuế có các khoản được gia hạn thuộc nhiều địa bàn, thuộc nhiều cơ quan thuế quản lý khác nhau. Rõ ràng, về cơ bản cũng đã có quy định, nhưng cần xác định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan trong sự phối hợp này tại các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc khi xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giúp nền kinh tế sớm quay lại đà tăng trưởng

“Việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất thể hiện sự quan tâm rất lớn của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Về nguyên lý thì việc làm này vẫn không làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022, vì số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn sẽ được nộp đủ trước ngày 31/12/2022, đảm bảo nguồn thu ngân sách để thực hiện các nội dung chi quan trọng ở trên. Vì vậy, tôi tin rằng với sự quan tâm đúng lúc, đúng thời điểm của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp sẽ góp phần giúp cho nền kinh tế Việt Nam sớm quay lại đà tăng trưởng ấn tượng của những năm trước đó” - TS. Phan Phương Nam nói.

Nhật Minh (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-han-thoi-han-nop-thue-va-tien-thue-dat-nam-2022-ho-tro-thiet-thuc-cho-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-103086.html