Bàn giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội

Ngày 18/6, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm 'Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp'.

Tọa đàm do Thành ủy Hà Nội tổ chức nhằm huy động trí tuệ, sáng kiến tham vấn xây dựng, phát triển Thủ đô của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhà quản lý, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT).

Tọa đàm bàn giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội.

Tọa đàm bàn giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai khẳng định, trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm, lắng nghe những ý tưởng, sáng kiến đóng góp để xây dựng, phát triển Thủ đô từ các chuyên gia trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn.

Đặc biệt, tròn 20 năm sau khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, năm 2019, TP Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế.

Hiện nay, TP Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, phát triển CNVH tại Hà Nội còn có nhiều khó khăn. Tổ chức tọa đàm này, Ban tổ chức muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ, sáng kiến tham vấn tâm huyết để xây dựng, phát triển Thủ đô hơn nữa trong thời gian tới.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về những tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực CNVH và đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành CNVH có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô.

Các đại biểu chỉ ra nhiều thuận lợi và thách thức với phát triển CNVH của Hà Nội do vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số, sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh, sự gia tăng cơ học dân số quá cao.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Thạc sĩ Phạm Thị Nhung đến từ Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ cho phát triển các ngành CNVH; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm CNVH.

Hà Nội cũng cần tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo và triển khai quyết liệt chương trình hành động của Thủ đô trong cam kết với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bàn thảo sâu về phát triển CNVH Hà Nội từ vốn di sản, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề nghị, Hà Nội cần đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho CNVH.

Thành phố cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hóa.

Cần chú trọng sản xuất các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông và xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định...

N.Hoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/ban-giai-phap-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tren-dia-ban-ha-noi-646458/