Bàn giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường

Ngày 17-4, tại điểm cầu đặt tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố và hơn 600 điểm cầu của các quận, huyện, thị xã về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chỉ thị phòng, chống bạo lực học đường

Hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt tới các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục về các quy định liên quan đến công tác xây dựng trường học an toàn, đồng thời huy động sự chung tay của cả nhà trường, gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất trong hành động đối với việc ngăn ngừa bạo lực học đường, xây dựng môi trường học đường an toàn.

Gần 20.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố; các tổ chức đoàn thể, cán bộ quản lý và đại diện giáo viên các trường học tham gia hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định, thời gian qua, mặc dù ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp, song vấn đề bạo lực học đường vẫn có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân do đặc điểm lứa tuổi, những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, tác động đa chiều từ môi trường gia đình, xã hội…

Thực tế này đòi hỏi ngành Giáo dục cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh. Thực tế cho thấy, để xảy ra tình trạng bạo lực học đường có trách nhiệm từ nhiều phía. Việc phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm không chỉ của các bộ, ngành, địa phương, ban giám hiệu nhà trường… mà còn là trách nhiệm của từng thầy giáo, cô giáo, từng người lao động và học sinh, sinh viên, của phụ huynh và toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngành Giáo dục cần chủ động, tiên phong để thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, trong đó chú trọng vào các giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường là chính, quan tâm hóa giải các nguyên nhân dẫn đến bạo lực. Để ngăn ngừa các vụ việc tái phát, các địa phương, nhà trường cần kiên quyết xử lý, trước hết là không cho đứng lớp đối với giáo viên có sai phạm về đạo đức nhà giáo và nghiêm khắc đưa ra khỏi ngành Giáo dục những người có sai phạm nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tại hội nghị, ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận, làm rõ hơn thực trạng về bạo lực học đường hiện nay, phân tích các nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm xây dựng trường học an toàn.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ một số mô hình phòng, chống bạo lực học đường ở các nước trên thế giới, trong đó có việc tác động đến môi trường học đường; huấn luyện giáo viên ứng xử không bạo lực đối với học sinh; tăng cường các phương tiện giám sát học sinh trong và ngoài giờ học; kết nối và thu hút cộng đồng, phụ huynh tham gia vào việc phòng, chống bạo lực học đường.

Ý kiến của đại diện các bộ, ngành và các sở giáo dục và đào tạo tập trung đề xuất các giải pháp nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường, như: Tăng cường tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phòng, chống bạo lực học đường; nêu cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường đối với việc phát hiện, hóa giải các nguyên nhân có nguy cơ dẫn đến bạo lực; điều chỉnh, bổ sung quy định về đánh giá học sinh cho phù hợp, trong đó quy định rõ về các hình thức khen thưởng và xử lý kỷ luật; xây dựng phòng tư vấn tâm lý trong trường học; quan tâm thành lập và có chính sách đối với đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý tại trường học nhằm kịp thời hỗ trợ học sinh khi cần thiết…

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung thực hiện 6 giải pháp cơ bản nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường, trong đó có việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tích hợp nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh vào chương trình, hoạt động giáo dục; nâng cao trách nhiệm về đạo đức nhà giáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo…

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ xây dựng và ban hành quy trình xử lý truyền thông nhằm hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục khi có sự cố; thành lập đường dây nóng nhằm kịp thời ghi nhận, xử lý các ca bạo lực học đường...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/932431/ban-giai-phap-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong