Bàn giải pháp nâng cao chất lượng liên kết quốc tế trong giáo dục đại học

Ngày 21/7, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay, các cơ sở GDĐH của Việt Nam đã có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác.

Bộ trưởng GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị.

Hiện có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Các chương trình đào tạo quốc tế liên kết với các đại học uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hiện có khoảng 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Các chương trình liên kết đào tạo, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý, vì vậy dư địa để chúng ta mở các ngành liên kết đào tạo nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phần mềm, du lịch… còn rất lớn, rất cần cho nguồn nhân lực Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở giáo dục ở nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn.

Nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài ở các nước phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Môi trường xã hội ở nhiều nước phải thực hiện cách ly. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến người học ở các nước, trong đó có lưu học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài.

Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, đây là cơ hội lớn cho ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung cấp giáo dục chất lượng cao cho người học. Du học tại chỗ cũng góp phần giảm chi phí cho người học.

Đại diện Trường đại học Rmit cho rằng, Bộ GD&ĐT với vai trò quản lý nhà nước cần có những diễn đàn công khai thông tin về liên kết đào tạo quốc tế của các trường. Bảo đảm các trường minh bạch thông tin liên kết quốc tế, không nhập nhèm gây hiểu lầm cho phụ huynh, sinh viên.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, theo đại diện ĐH Rmit, ngành Giáo dục cần có tiếng nói để góp phần giải quyết vấn đề các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu; cũng như sinh viên, học viên gặp vướng mắc trong quá trình ra nước ngoài học tập hoặc về nước do ảnh hưởng của Covid-19…

Còn đại diện Đại học Anh quốc tại Việt Nam nêu ý kiến, hiện có nhiều trường quốc tế đang nhắm tới liên kết đào tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong liên kết đào tạo quốc tế cần chọn đúng đối tác uy tín, thương hiệu.

PGS. TS Phạm Văn Song, Trường đại học Việt Đức cùng cho rằng, nhiều trường quảng cáo là trường quốc tế hay chương trình đào tạo quốc tế nhưng lại không có thông tin ràng, minh bạch. Như vậy rất dễ gây hiểu lầm cho sinh viên, phụ huynh và xã hội.

"Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần quản lý các thông tin, không để tình trạng đánh đồng các chương trình đào tạo; cần rõ ràng, minh bạch các cơ sở đào tạo, các chương trình quốc tế nhằm bảo đảm chất lượng thực trong liên kết đào tạo quốc tế hiện nay", PGS.T Song kiến nghị.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ban-giai-phap-nang-cao-chat-luong-lien-ket-quoc-te-trong-giao-duc-dai-hoc-130369.html