Bàn giải pháp để Đà Nẵng là 'thành phố đáng đến và đáng sống'

Sáng 27/6, Hội thảo 'Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống' đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo thành phố và các chuyên gia, diễn giả, nhà đầu tư…trong cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Sau 25 năm trở thành thành phố (TP) trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước…

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo.

Ông Minh cho biết, lĩnh vực du lịch lưu trú và ăn uống phục hồi tích cực và bứt phá kể từ cuối quý I/2022, nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%. Doanh thu du lịch 6 tháng ước tăng 41% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú quý II/2022 gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Theo thống kê từ khi “mở cửa bầu trời” tới cuối tháng 6/2022, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Gần đây nhất, ngày 24/6 vừa qua, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế tới TP, đây là con số kỷ lục, vượt mốc cao nhất của năm 2019 - thời điểm dịch bệnh COVID-19 chưa xảy ra.

Dự kiến 6 tháng cuối năm 2022, sẽ có 15 hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia… đến Đà Nẵng với tổng tần suất 90 chuyến/tuần. Ngoài ra, TP cũng dự kiến xúc tiến mở đường bay tới Ấn Độ, Philippines…

“Đây là những tín hiệu đáng mừng cho du lịch Đà Nẵng sau hơn 2 năm chịu tác động chưa từng có bởi dịch bệnh. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Đà Nẵng phải làm mới chính mình, để duy trì sức hấp dẫn trong mắt du khách, xứng danh TP đáng đến và đáng sống…TP cần có những định hướng chiến lược bài bản để thực hiện các mục tiêu ” ông Minh cho biết.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành TP đáng sống của khu vực và thế giới, và điều này phụ thuộc trước hết vào việc xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng du lịch và hạ tầng đô thị xứng tầm.

PGS.TS Trần Đình Thiên (Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam) cho rằng: Đà Nẵng cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển… Và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, du lịch sông nước, giải trí. Đà Nẵng cần làm mới cả những điểm đã cũ, tạo nhiều sản phẩm trải nghiệm mới ở những điểm vốn đã quá quen. “Phải thêm nhiều trải nghiệm thì du khách mới rút ví được” ông Thiên nói.

Quang cảnh hội thảo.

Cũng theo ông Thiên, Đà Nẵng cần khai thác tối đa lợi thế từ cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng mà Quốc hội đã thông qua. Đồng thời, Đà Nẵng cần mạnh mẽ hơn trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị tương xứng với tiềm năng, lợi thế đó. Có như vậy, Đà Nẵng mới thực sự là nơi “đáng đến” để du lịch, để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Và là nơi “đáng sống” nhờ có những khu đô thị hiện đại, sang trọng được quy hoạch bài bản, đầy đủ tiện ích. Để Đà Nẵng thành nơi "làm tổ" của các "đại bàng", nhất là trong lĩnh vực mũi nhọn: du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính…

TS. Lương Hoài Nam (Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch) cho biết: năm 2021, Hội đồng tư vấn du lịch - TAB đánh giá về tiêu chí năng lực cạnh tranh điểm đến để phát triển du lịch, Đà Nẵng là số 1 Việt Nam. Đà Nẵng đang xác định rất đúng là đưa du lịch thành ngành mũi nhọn.

Ông Nam cũng nêu một lo ngại về lâu dài, nếu không cẩn thận, sân bay Đà Nẵng có thể sẽ là nút thắt trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Theo ông Nam, sân bay Đà Nẵng hoàn toàn có thể đưa công suất lên 30 đến 40 triệu khách/ năm.

"Đà Nẵng có diện tích gấp rưỡi Singapore nhưng hiện nay lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng rất ít so với Singapore", ông Nam nói.

TS. Lương Hoài Nam cho rằng cần làm rõ Đà Nẵng "đáng đến" với đối tượng nào, vì đối tượng bình dân và siêu giàu khác nhau rất nhiều. Theo ông Nam, chúng ta chưa có hệ sinh thái du lịch siêu giàu. Trong khi 1 khách nhà giàu chi tiêu bằng hàng trăm khách bình dân.

“Chúng tôi đã kiến nghị cần sớm hình thành đề án về hệ sinh thái du lịch phục vụ giới siêu giàu, và Đà Nẵng cũng nên hướng tới đối tượng siêu giàu”, ông Nam nêu ý kiến.

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ban-giai-phap-de-da-nang-la-thanh-pho-dang-den-va-dang-song-post1449060.tpo