Bàn giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Sáng nay, 8/8, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra những thực trạng đang tồn tại của công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra những thực trạng đang tồn tại của công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn, là 1 trong 3 trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

Trọng tâm của Chủ trương này là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định và cụ thể hóa tại Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Triển khai chủ trương của Đảng, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, Chính phủ đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách và chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch và gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp, đạt 27,5% danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 991; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 doanh nghiệp, đạt 21,8% danh mục doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết quý 2/2019, có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.

Lũy kế đến hết quý 2/2019, đã có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Về tình hình thoái vốn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tính đến hết quý 2/2019, có 9 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý 2/2019: Thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết Quý 2/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).

Tình hình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo Đề án cơ cấu lại, tính đến hết quý 2/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với tổng giá trị 1.333 tỷ đồng, thu về 2.174 tỷ đồng.

Lũy kế từ năm 2016 đến hết Quý 2/2019, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm 4.617 tỷ đồng, thu về 5.888 tỷ đồng; Thoái vốn tại các lĩnh vực khác 4.917 tỷ đồng, thu về 8.807 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn với giá trị 6.286 tỷ đồng, thu về 35.933 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trong tổng số thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2019 đã thoái được 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết Quý 2/2019, đã thoái 24.157 tỷ đồng, thu về 169.787 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về Tổng công ty Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC) theo Quyết định của Thủ tướng giai đoạn 2017 - 2020, các Bộ, ngành, địa phương phải chuyển giao về SCIC 62 doanh nghiệp (4 DN năm 2017, 55 DN năm 2018, 3 DN năm 2019).

Tính đến hết năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành chuyển giao 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỷ đồng (trong đó, năm 2017 đã chuyển giao 21 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 822 tỷ đồng, năm 2018 đã chuyển giao 9 doanh nghiệp với số vốn nhà nước là 3.248 tỷ đồng).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 2 doanh nghiệp bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC (Công ty cổ phần phát triển văn hóa du lịch Vũng Tàu với số vốn nhà nước là 751 triệu đồng, Tổng công ty Thép Việt Nam với số vốn nhà nước là 6.368 tỷ dồng). Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 29 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng.

Sự kiện lần này có sự tham gia của ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, ông Trần Nguyên Nam - Phó trưởng Ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp SCIC, ông Nguyễn Như Quỳnh - Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ông Vũ An Khang - Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty.

Các diễn giả đã cùng trao đổi, đánh giá cụ thể thực trạng và khuyến nghị tới Bộ Tài chính những giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ban-giai-phap-day-nhanh-tai-co-cau-doanh-nghiep-nha-nuoc-109449.html