Bàn giải pháp chấm dứt thiếu nước sinh hoạt mùa hạn mặn ĐBSCL

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức bàn giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu nước sinh hoạt mùa hạn mặn ĐBSCL.

Ngày 27/5, tại tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra Hội nghị đánh giá hiện trạng và giải pháp tổng thể cấp nước nông thôn cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Dự hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Unicef tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL.….

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết, ĐBSCL có đến 13 triệu người dân sinh sống ở khu vực vùng nông thôn. Trong đó có 98% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và 55% người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị.

Tuy vậy. bên cạnh khoảng 8 triệu người được sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thì vẫn còn đến 5 triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình như là giếng khoan, lu, bể chứa nước… chưa thể đảm bảo nguồn nước cũng như là chất lượng. Ngoài ra, ảnh hưởng của hạn hán, mặn xâm nhập trong mùa khô năm nay, làm khoảng 167 công trình cấp nước tập trung trong vùng bị sụt giảm công suất, nước nhiễm mặn.

Quang cảnh hội nghị.

"Trong 5 triệu hộ cấp nước hộ gia đình rất bấp bênh, bấp bênh về chất lượng nước, bấp bênh về nguồn nước. Và 96.600 hộ bị ảnh hưởng của mùa hạn 2020 này, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt chủ yếu nằm ở khu vực 5 triệu người này, nằm ở khu vực cấp nước hộ gia đình. Tôi muốn đưa ra 2 con số này để chúng ta thấy rằng, rõ ràng là chúng ta đã có đánh giá rất đúng, nhìn nhận vấn đề rất chuẩn, chúng ta sẽ bàn, làm thế nào để không xảy ra tình trạng cứ đến hạn lại không có nước dùng", ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt của mùa khô năm nay là do lượng nước mưa ít, nước từ dòng Mê Kông đổ về yếu, thiếu vốn đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, một phần nào đó là còn sự chủ quan của chính quyền địa phương và người dân trong vấn đề tích trữ nước sinh hoạt ứng phó hạn hán, mặn xâm nhập.

Cấp nước miễn phí cho người dân vùng hạn mặn mùa khô 2019-2020 tại Sóc Trăng.

Ông Quyết kiến nghị: "Để đạt được 100% hộ dân nông thôn có nước sinh hoạt theo quy chuẩn, thì cần nguồn vốn rất lớn, trên 1.000 tỷ. Phần kiến nghị thứ nhất là giai đoạn từ đây đến năm 2025, trung ương hỗ trợ 60%, tỉnh đối ứng 40% bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Kiến nghị thứ hai, đề nghị Unicef, Ngân hàng Thế giới cũng phải tích cực hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL kể cả vốn hỗ trợ có, vốn vay có, vật tư thiết bị có. Kiến nghị thứ ba, đề nghị Tổng cục Thủy lợi và các đơn vị trực thuộc Bộ, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp chậm lại cổ phần hóa tất cả các trung tâm nước của ĐBSCL".

Còn ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đối với Cà Mau, không phải xảy ra hạn hán thì người dân mới thiếu nước sinh hoạt mà tình trạng này diễn ra trong hầu hết mùa khô hàng năm tại địa phương; mặn xâm nhập sâu vào đất liền từ 80-90km, thậm chí vùng ngọt hóa của tỉnh nhiều nơi cũng bị nhiễm mặn. Do đó, nước sinh hoạt của Cà Mau là rất khó khăn. Bên cạnh đó, dân cư sống thưa thớt nên việc đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt là hết sức hạn chế. Hiện tỉnh chỉ có 18% hộ dân là sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, tỷ lệ thấp nhất trong vùng. Còn lại là người dân sử dụng nước từ giếng khoan và nước mưa.

Người dân chở nước sạch về nhà phục vụ sinh hoạt.

Ông Tô Quốc Nam cho biết thêm: "Muốn có nước, hạn chế sử dụng nước ngầm thì Cà Mau cũng yêu cầu Bộ nghiên cứu tạo điều kiện làm sao dẫn nguồn nước từ sông Hậu về Cà Mau. Trước nhất là chưa phục vụ để sản xuất thì chúng tôi cũng trữ lại được nước tạo điều cho sinh hoạt khoảng 5 đến 6 tháng mùa khô".

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nhấn mạnh về giải pháp xây hồ chứa, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt; kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; ổn định hoạt động của các Trung tâm nước sạch trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu giai đoạn và thực hiện vai trò an sinh xã hội - ứng phó thiên tai trong hoạt động cung cấp nước nông thôn…/.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ban-giai-phap-cham-dut-thieu-nuoc-sinh-hoat-mua-han-man-dbscl-1053115.vov