Bán gần 88 tấn phân bón không đủ chuẩn ra thị trường, cặp vợ chồng bị khởi tố

Cặp vợ chồng ở Cần Thơ bị khởi tố vì bán gần 88 tấn phân bón không đủ chuẩn ra thị trường. Người nông dân cần hết sức cảnh giác trước nạn phân bón giả.

Ngày 20.7, Công an quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) thông tin, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn Bình (44 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Lệ Quyên (39 tuổi) về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.

Cụ thể, năm 2011 hai vợ chồng Bình thành lập Công ty TNHH MTV Bình Quyên (địa chỉ ở tỉnh An Giang); ngành nghề kinh doanh là sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng.

 Công an xác định gần 88 tấn và hơn 3.500 lít phân bón đã bán ra thị trường không đủ chuẩn. Ảnh: Lao Động

Công an xác định gần 88 tấn và hơn 3.500 lít phân bón đã bán ra thị trường không đủ chuẩn. Ảnh: Lao Động

Sau đó, Bình thành lập thêm 2 chi nhánh, rồi chuyển trụ sở công ty về khu vực Tân Phước 1 (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt).

Quá trình hoạt động, Bình chỉ đạo nhân viên trong công ty đi mua nguyên liệu, đặt in nhãn mác, bao bì sản phẩm về sản xuất phân bón theo công thức đối tượng tạo ra.

Phân bón thành phẩm, Bình cho nhân viên đến các địa phương tìm cộng tác viên, những người có nhu cầu mua phân bón, tổ chức các hội thảo, giới thiệu sản phẩm. Ai có nhu cầu mua hàng nhân viên sẽ tổng hợp đơn gửi về cho Quyên xuất hàng đi giao. Công ty thường bán thiếu cho người mua đến cuối vụ mới thanh toán tiền.

Đến ngày 30.12.2019, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Cần Thơ kiểm tra, phát hiện hơn 20 tấn và gần 5.000 lít phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại.

Trong đó, có 7/13 loại phân bón không có thông báo xác nhận bản công bố sản phẩm phân bón phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, không có chứng nhận cho lưu hành tại Việt Nam.

Đặc biệt, công an xác định được tổng số lượng các loại phân bón vi phạm Công ty TNHH Bình Quyên đã bán ra thị trường không đủ chuẩn là gần 88 tấn và hơn 3.500 lít, trị giá theo giá bán ghi trên các biên nhận hàng là hơn 4,1 tỉ, trị giá theo giá của Hội đồng định giá tài sản là hơn 1,2 tỉ.

Lực lượng công an đã tiến hành xác minh được người có mua hàng với tổng số lượng hơn 43 tấn và 1.600 lít; trị giá theo giá bán ghi trên các biên nhận hàng là gần 2 tỉ, trị giá theo giá của Hội đồng định giá tài sản là gần 600 triệu.

Phân bón chiếm từ 30 - 40% chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường còn quá nhiều loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng công khai mua bán. Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết cả nước hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất phân bón với khoảng 7.000 loại.

Phần lớn phân bón giả là do các công ty nhỏ, không tên tuổi, không thương hiệu sản xuất, rồi thông qua các tổ hợp tác, các nông dân làm đầu mối giới thiệu sản phẩm để bán cho nông dân. Người nông dân mua phân bón, đơn giản chỉ nghĩ để cho cây trồng tươi tốt, năng suất cao nhưng cuối cùng lại thiệt đơn, thiệt kép: Mất tiền mua phân giả bằng giá phân bón thật, mất tiền do thất thu mùa vụ, chưa kể thiệt hại đến chất đất, môi trường sinh thái…

Theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, hoạt động sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường bí mật khép kín từ khâu sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ. Các đối tượng thường sản xuất quy mô nhỏ, đơn lẻ tại tỉnh này nhưng bán cho các cửa hàng, đại lý tỉnh khác với giá rẻ, số lượng nhỏ để các cửa hàng đại lý có thể tiêu thụ nhanh, tránh bị kiểm tra.

Hầu hết các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng được tiêu thụ ở các vùng nông thôn. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý ham rẻ của nông dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, những công ty này lừa người tiêu dùng theo các hình thức như chiết khấu tỷ lệ cao cho các cửa hàng, đại lý bán vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ; áp dụng chính sách bán nợ, trả chậm, trả trước một phần, mua một tặng một... để tiêu thụ nhanh.

Một số khuyến cáo đối với người dân cảnh giác trước nạn phân bón giả là nếu nghi ngờ về chất lượng phân bón hay thuốc BVTV, bà con nên dùng thử cho những loại rau ngắn ngày, sau từ năm đến bảy ngày là có thể biết được kết quả. Khi bón phân hay sử dụng thuốc BVTV nên để lại một ít cùng bao bì, nhãn mác để khi xảy ra sự cố vẫn giữ được bằng chứng, vật chứng. Đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng nếu phát hiện, nghi ngờ cửa hàng buôn bán, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Thu Hà (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ban-gan-88-tan-phan-bon-khong-du-chuan-ra-thi-truong-cap-vo-chong-bi-khoi-to-d176531.html