Bản Đoòng... hành trình hướng Đông - Bài 2: Những hạt giống bản Đoòng

Thế hệ 'vạch rừng, lập bản' đầu tiên vào năm 1991 sau đó ly tán vì đói nghèo, bệnh tật, bản Đoòng chỉ còn lại đại gia đình Nguyễn Soái Trắc. 30 năm giữ chức trưởng bản, bọ Tòa xứng đáng là 'hạt giống đỏ' của người Vân Kiều bản Đoòng. Con cháu bọ Tòa như 'hạt giống tốt' dần lớn lên, kiên trung bám bản, xây dựng bản, giúp bản Đoòng vững vàng trên hành trình hướng Đông vốn còn lắm chông gai, thử thách.

>>Bài 1: Biên niên sử bản Đoòng

Gieo hạt giống vô tư

Giai đoạn 1991-2006 khi bản Đoòng chưa thuộc về đơn vị hành chính cấp xã nào thì vai trò “đầu tàu” thuộc về bọ Tòa. Từ năm 2007 đến năm 2015, khi sáp nhập vào xã Tân Trạch, trưởng bản Nguyễn Soái Trắc là người đại diện hợp pháp cho cư dân bản Đoòng. Năm 2015, bản Đoòng mới thành lập được chi bộ Đảng do thầy giáo Hoàng Văn Sáu làm Bí thư.

Bản là cộng đồng chung của những người cùng huyết thống, gốc rễ nên trai gái lớn lên đến tuổi lập gia đình đều phải cắt rừng, lội suối đi “bắt” chồng, “bắt” vợ nơi khác, qua Rào Con, vào Khe Ngát, lên Tân Trạch, Thượng Trạch, đến các bản làng ở Trường Xuân, Trường Sơn… Nhờ vậy, trải qua 30 năm hình thành bản Đoòng, tình trạng hôn nhân cận huyết hầu như không xảy ra.

Sống giữa vùng lõi di sản, rừng trở thành tài sản quý giá của đồng bào. Họ vô tư sống dựa vào rừng nhưng tuyệt nhiên không bao giờ phá rừng. Bảo vệ rừng trở thành một quy ước bất thành văn mà mỗi người dân bản Đoòng tuân thủ vô điều kiện. Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng chia sẻ cùng chúng tôi: “Những năm trở lại đây, người dân bản Đoòng được giao quản lý, bảo vệ gần 800ha rừng di sản, kinh phí hỗ trợ cho bà con 80 triệu đồng/năm, trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho bản, bảo đảm tốt vấn đề lương thực hàng ngày”.

Những ngày chúng tôi trải nghiệm ở bản Đoòng, thấy những tín hiệu vui khi bà con biết rào nhà, rào vườn chắc chắn, không cho trâu bò vào phá hoại, giữ sạch nhà, sạch bản, trồng thêm sắn, ngô. Tài sản đáng kể nhất của bản Đoòng là hàng trăm con trâu, bò đang phát triển tốt.

Những ngày đầu lên cắm bản dạy chữ, thầy giáo Hoàng Văn Sáu và học sinh “ăn nhờ, ở đậu” tại nhà dân, đồng bào thương thầy chung tay cất lên một ngôi trường tạm. Tháng 10-2010, trường bị lũ cuốn mất. Mùa hè năm 2013, UBND xã Tân Trạch làm lại phòng học bằng gỗ, mái lợp lá cọ, đến năm 2015 thì bị tốc hết mái.

ản Đoòng nơi dừng chân trải nghiệm lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá hang Sơn Đoòng

ản Đoòng nơi dừng chân trải nghiệm lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá hang Sơn Đoòng

Quá trình vận hành tour du lịch mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Công ty Oxalis) trực tiếp hỗ trợ kinh phí 150 triệu đồng giúp dựng lại điểm trường mới trên nền điểm trường cũ. Điểm trường này gồm 2 phòng học và 1 phòng sinh hoạt cho giáo viên. Có được điểm trường mới, thầy trò an tâm tập trung dạy và học. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, điểm trường tiếp tục bị nhấn chìm, hư hỏng hoàn toàn trong cơn đại hồng thủy tháng 10-2020.

“Phải đi tìm đất mới cao ráo, không sợ con nước ghé thăm hàng năm để dựng lại trường mới”-trưởng bản Nguyễn Soái Trắc họp dân bản lại bảo… “chắc như đinh đóng cột”. Tại cuộc họp, Nguyễn Thị Chim (SN 1989) con gái thứ năm của bọ Tòa cùng chồng Trần Văn Sử đưa tay xin phát biểu: “Gia đình miềng xin hiến đất cho bản để xây trường!”. Có đất… lại phát sinh một vấn đề nan giải: “Tiền đâu dựng trường mới? Trong khi dân bản Đoòng quá nghèo, “ăn chưa no, lo chưa tròn”. Và một niềm vui lớn đã đến với bản Đoòng.

Công ty Oxalis, UBND huyện Bố Trạch, chính quyền xã Tân Trạch và Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thống nhất quyết tâm xây lại điểm trường mới tại bản Đoòng. Từ lời kêu gọi của Quỹ hỗ trợ cộng đồng thuộc Công ty Oxalis (Oxalis Foundation) các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhanh chóng góp kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Do điều kiện giao thông cách trở, phương thức vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng cách cõng gùi nên điểm trường bản Đoòng mới thiết kế theo kiểu nhà lắp gép bằng thép kiên cố, diện tích 150m2, gồm 2 tầng, 4 phòng học cho học sinh và 2 phòng sinh hoạt cho 4 giáo viên cắm bản.

Sau 3 tháng thi công (từ tháng 1 đến tháng 3-2021), điểm trường bản Đoòng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Điều đặc biệt, để làm ngôi trường này, Công ty Oxalis huy động đến 125 nhân viên porter thực hiện tổng cộng 600 ngày công ròng rã vận chuyển hơn 80 tấn thiết bị, nguyên vật liệu từ bên ngoài vào. Số tiền chi trả nhân công vận chuyển và thi công lên đến 453 triệu đồng, nhiều hơn số tiền mua vật tư, vật liệu xây dựng trường, chỉ khoảng 357 triệu đồng…

Ngày khánh thành điểm trường mới trở thành ngày hội lớn của đồng bào Bru-Vân Kiều bản Đoòng. Trong niềm hạnh phúc chung, chúng tôi thấy khóe mắt bọ Tòa- trưởng bản Nguyễn Soái Trắc rưng rưng. Lời ông âm vang dội vào lèn núi đá: “Rứa là từ đây, bản Đoòng bước sang trang mới. Bà con ghi sâu vào cái đầu, vào nếp nghĩ của mình ơn Đảng, Nhà nước và đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc. Bản Đoòng chưa bao giờ bị lãng quên!”

Bây giờ, bản Đoòng phát triển được 5 đảng viên người Bru-Vân Kiều, thầy giáo Hoàng Văn Sáu thôi giữ chức Bí thư chi bộ. Trong 5 đảng viên thì hết 4 người là con bọ Tòa, gồm: Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Văn Chiều, Nguyễn Văn Chan, Nguyễn Văn Chóc. Chức vụ Bí thư chi bộ bản chuyển sang cho Nguyễn Văn Chóc, đảng viên 6 năm tuổi Đảng.

Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Chóc dẫn chúng tôi sâu vào khu vực Hung Đoòng, anh bảo: “Trước đây còn có cái đập Đá Bạc, bản Đoòng khai hoang, trồng gần 3ha lúa nước. Qua nhiều lần ngập lũ, đập Đá Bạc bị cuốn trôi. Ước mơ của bà con là làm sao khôi phục lại diện tích lúa nước”-lời Bí thư Chóc tha thiết- “Công ty Oxalis hỗ trợ bản kéo ống dẫn nước từ con thác Ba Giàn cách bản khoảng 2km, cũng chỉ đủ cung cấp nước sinh hoạt. Nếu Nhà nước hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng, mua ống to hơn, chắc chắn sẽ bảo đảm nước tưới cho cánh đồng lúa đang bị bỏ hoang. Khôi phục được diện tích lúa nước, chắc chắn đồng bào no ấm hơn. Bản Đoòng trở thành một địa điểm sinh thái lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế dừng chân trải nghiệm trên hành trình khám phá hang Én, hang Sơn Đoòng”.

Những mầm xanh đang lớn dậy

Thế hệ học sinh đầu tiên từ khi điểm trường bản Đoòng thành lập hiện tại có 2 em đang học lên cao ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tại TP. Đồng Hới là Nguyễn Văn Xuân (lớp 11), Nguyễn Thị Xa (lớp 10). Năm học 2015-2016, 3 học sinh của thầy Hoàng Văn Sáu rời bản Đoòng ra trung tâm xã tại Km39 học Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Tân Trạch, gồm: Nguyễn Văn Buôn, Nguyễn Thị Gia, Nguyễn Văn Cuối. Những em học sinh này đang quyết tâm phấn đấu để được về xuôi học chữ.

Nguyễn Văn Buôn, Nguyễn Thị Gia (lớp 9) năm học 2020-2021 đoạt giải nhì hội thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật cấp huyện với mô hình “Bếp củi cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Theo lời thầy Hoàng Văn Sáu, mô hình bếp củi cải tiến của Buôn và Gia được Ban giám khảo hội thi đánh giá cao khi phát huy nhiều ưu điểm, tiết kiệm nhiên liệu, giữ nhiệt độ cao, hầu như không khói và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.

Chúng tôi bắt gặp tại điểm trường bản Đoòng hình ảnh hai cô bé Trần Yến Nhi, Nguyễn Thị Dữ (học sinh lớp 6) ngồi dưới mái hiên hun hút nắng gió mãi mê ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện sắp tới. Nhi, Dữ ngập ngừng tâm sự cùng những vị khách lạ: “Chúng cháu phải cố gắng phấn đấu học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi của bản làng. Mai này nhất định chúng cháu sẽ trở về xây dựng bản Đoòng no ấm, văn minh hơn”.

30 năm bản Đoòng ẩn sâu trong lòng Di sản… hành trình hướng Đông của người Bru-Vân Kiều bản Đoòng từ đây sẽ vững vàng hơn giữa vòng tay yêu thương cộng đồng. Sự khởi đầu bằng những hạt giống đỏ từ bọ Tòa-Nguyễn Soái Trắc, thầy giáo Hoàng Văn Sáu đến những đảng viên trẻ dám nghĩ, dám làm Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Văn Chiều, Nguyễn Văn Chan, Nguyễn Văn Chóc và tiếp nối là những mầm xanh đang trỗi dậy từng ngày.

Chúng tôi tin… bản Đoòng sẽ có thêm nhiều “kỳ tích”, tự tin vượt qua những con dốc Ba Giàn, gần lại hơn với miền xuôi.

Box:Từ bản Đoòng trở về, chúng tôi tìm đến Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh thăm Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Thị Xa, hai người con ưu tú của bản đang theo học tại trường. Năm học 2020-2021, Xuân học lớp 11 còn Xa học lớp 10. Nguyễn Văn Xuân tự hào: “Chúng cháu là thế hệ đầu tiên từ bản Đoòng ra thành phố học tập. Vì thế sẽ cố gắng hết sức mình… tương lai sau này trở thành người có ích giúp quê hương mình đổi thay. Ở đây, chúng cháu có rất nhiều bạn, mọi chế độ đều được Nhà nước lo. Mỗi dịp hè trở lại bản còn mang thêm tiền tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng cho gia đình. Thật đấy!”

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, thầy giáo Trần Đức Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh bật mí: “Các em đi học, mỗi tháng nhận 80% mức lương cơ sở. Ba tháng nghỉ hè vẫn được hưởng… nên mới có tiền giúp đỡ cho gia đình đó anh!”.

Ngô Thanh Long

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202104/ban-doong-hanh-trinh-huong-dong-bai-2-nhung-hat-giong-ban-doong-2187949/