Bạn đồng hành của người Bru - Vân Kiều

Nếu người phụ nữ Kinh có cái quang, cái gánh làm bạn thì người phụ nữ dân tộc Bru - Vân Kiều lại có chiếc gùi gắn bó từ lúc trẻ đến khi về già.

Chiếc gùi giúp họ có thể chở tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình, từ hạt lúa, củ sắn, củ khoai, cho đến thanh củi, thanh tre... Chiếc gùi giúp cuộc sống người phụ nữ Vân Kiều bớt khó khăn, giúp đôi tay bớt phần mệt mỏi.

Nghề đan luôn được đồng bào Vân Kiều gìn giữ và phát triển.

Nghề đan luôn được đồng bào Vân Kiều gìn giữ và phát triển.

Không ai biết chiếc gùi đã có mặt trong đời sống của đồng bào Bru - Vân Kiều từ bao giờ, chỉ biết rằng chúng là vật dụng không thể thiếu khi họ lên nương, lên rẫy hay vào rừng lấy củi. Theo thời gian, chiếc gùi được xem như nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng của bà con Bru - Vân Kiều.

Theo những người Bru - Vân Kiều ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, chiếc gùi của người Vân Kiều có nhiều loại khác nhau với mẫu mã đa dạng, phong phú, nhưng thông dụng nhất vẫn là chiếc “sang” và “a chọi”. Ở mỗi loại gùi, người Vân Kiều dùng với từng công việc, mục đích khác nhau, sang dùng gùi củi là chủ yếu, còn a chọi dùng để thu hoạch lúa, đựng măng, rau rừng... Việc đan chiếc gùi to hay nhỏ, vành kín hay hở cũng đều phụ thuộc vào mục đích sử dụng.

Từ điển hiện vật văn hóa các dân tộc Việt Nam của PGS. TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu: A chọi là loại gùi đeo qua vai, dùng để đựng và vận chuyển. Gùi có hình trụ, thành thẳng và cao. Đế thấp, làm bằng dây mây lớn, được tạo dáng hoa thị, bởi mỗi cạnh đều uốn võng vào phía trong; 4 góc được kết mây hình tam giác cân để gắn lên thân gùi. Quai tết thành dây đai bằng vỏ cây rừng, bắt chéo nhau và ôm vào mặt ngoài của gùi, tại vị trí gần đáy. Nan đan gùi là nan cật của cây ra-lung (cây lùng), một loại cây rừng nhỏ, không có gióng và mấu. Kỹ thuật đan kết hợp kiểu lóng mốt và lóng tư nan ngang. Dây mây dùng để buộc và cạp miệng gùi. Gùi do nam giới đan.

Còn sang là loại gùi đeo qua vai, hình trụ, thành cao, có nẹp dọc từ miệng đến 4 góc đáy và thò xuống tạo thành 4 chân. Đế thấp, uốn bằng đoạn dây mây lớn. quai làm bằng vỏ cây sa năng pét, luồn qua đế, vòng qua tai ở lung chừng thân, bắt chéo ở phần thân dưới phía trước để tạo thành 2 quai ở 2 bên. Thân gùi chia làm 3 đoạn khá đều nhau. Đoạn trên và dưới đan lóng mốt với các nan ngang đan khít. Đoạn giữa đan kiểu mắt cáo bằng cách vặn chéo các nan dọc và đan thưa các nan ngang. Phần áp lưng người đeo gài 6 thanh trẻ nhỏ, song song nhau theo chiều thẳng đứng. Sang được sử dụng để gùi củi, ngô và sắn từ rừng hoặc rẫy về nhà. Ngoài ra hằng ngày người ta cũng dùng loại gùi này để gùi nước đựng trong các vỏ bầu khô mỗi khi đi lấy nước từ máng hoặc từ nguồn về nhà.

“Từ xưa đến nay chiều gùi gắn bó với người Bru - Vân Kiều như hình với bóng”- PGS. TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh. Và quả thật, nếu có dịp ghé thăm các bản làng người Bru - Vân Kiều sẽ thấy, với họ, chiếc gùi như một người bạn tâm giao cùng họ chia sẻ mọi niềm vui, khó nhọc trong cuộc sống. Chiếc gùi là nơi gắn kết tình cảm giữa bản trên xóm dưới.

Với những người phụ nữ Vân Kiều, chiếc gùi gắn bó với họ từ khi sinh ra đến khi lập gia đình, và cứ thế nối dài mãi đến đời con đời cháu. Khi con còn nhỏ, họ chở con lên nương rẫy cùng bằng chiếc gùi đeo sau lưng. Rồi khi con lớn lên, biết đi nương rẫy cùng với mẹ thì lại đeo những chiếc gùi để chở thành quả lao động mỗi ngày. Bởi thế, với họ, chiếc gùi gần gũi như đôi dép ở chân hay chiếc nón đội trên đầu.

Trải qua thời gian, đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình, Đắk Lắk… vẫn còn lưu giữ được những nét truyền thống của dân tộc. Ở đó vẫn còn có những người cần mẫn với chiếc gùi đeo trên lưng, vẫn lưu giữ cách đan gùi độc đáo, ấn tượng của dân tộc mình.

Để đan được một chiếc gùi truyền thống, phải mất nhiều công đoạn, thời gian. Trước hết, nguyên vật liệu là những cây mây, tre, nứa phải cất công đi kiếm ở vùng rừng sâu, núi cao. Mây để đan a chọi phải có độ bền, dẻo dai. Tre phải đúng độ già, đẹp màu, chắc... Chặt mây thành từng đoạn, chẻ lạt và vót cho thật nhẵn rồi ngâm nước cho đủ độ dẻo, vót 4 trụ bằng nứa cho đúng kích thước và bằng nhau.

Quan trọng nhất là công đoạn làm đế. Đế phải đều, đẹp, chắc chắn thì mới sử dụng được lâu. Sau khi làm được đế thì đến công đoạn làm thân. Cuối cùng là công đoạn làm dây gùi. Việc này cũng quan trọng không kém vì chúng dùng để đeo, cõng trên lưng tiện cho việc di chuyển. Ngày nay, bà con đã dùng dây dù bề rộng khoảng 3 cm để làm dây gùi, nhưng ngày xưa, người Vân Kiều thường làm dây gùi bằng vỏ cây rừng hoặc mây. Khi hoàn thành, a chọi sẽ được hơ trên bếp lửa một thời gian cho bền và đẹp hơn. Hầu như gia đình nào cũng tự mình làm nên ít nhất một chiếc a chọi để giữ nét đẹp của chốn núi rừng.

Chiếc gùi của đồng bào Bru-Vân Kiều.

Hiện nay, cuộc sống của người Vân Kiều đã có nhiều thay đổi. Đời sống kinh tế khấm khá hơn nên họ có thể mua các phương tiện luân chuyển hàng hóa như xe đạp, xe máy thậm chí cả máy kéo. Tuy nhiên đối với người phụ nữ Vân Kiều khi lên nương, lên rẫy, chiếc gùi, đặc biệt a chọi vẫn là vật dụng lao động được lựa chọn. Để lưu truyền nghề truyền thống của cha ông, hiện nay ở một số gia đình khi con trai, con gái lớn, bố mẹ vẫn truyền lại cách đan a chọi cho con.

Nhằm góp phần bảo tồn văn hóa cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân, chính quyền địa phương nơi đồng bào Vân Kiều sinh sống cũng đã có nhiều biện pháp bảo tồn, lưu giữ cũng như phát triển nét văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều. Ví dụ như, tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cùng với sự hỗ trợ của nhiều dự án đào tạo nghề đan mây tre và làm chổi đót cho hàng chục người dân tộc Bru - Vân Kiều. Từ chính nét văn hóa truyền thống dân tộc, cộng với sự sáng tạo, nhiều người dân nơi đây đã từng ngày lưu giữ phát triển nghề đan a chọi, mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Tùng Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ban-dong-hanh-cua-nguoi-bru--van-kieu-552689.html