Bạn đọc bức xúc vì đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xuống cấp nghiêm trọng

Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh về tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản nhưng chỉ hơn 4 năm đã xuống cấp nghiêm trọng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía bạn đọc và các lái xe.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khởi công từ tháng 11/2009 và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2014 được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý Dự án 2 làm đại diện Chủ đầu tư. Tổng chiều dài tuyến đường là 63,8 km đi qua 3 tỉnh là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam với tổng mức đầu tư của dự án là hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó phần vốn vay ODA Nhật Bản là 6.664 tỷ đồng, vốn đối ứng Việt Nam là 3.340 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn đường đã bị sụt lún, gập ghềnh tạo thành "luống cày", có đoạn như "sống trâu" khiến các phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh, nhiều bạn đọc đã gọi điện về đường dây nóng của tòa soạn đặt câu hỏi "chất lượng thi công tuyến đường này có đúng theo quy chuẩn thiết kế hay không?"

Anh Nguyễn Văn Tuấn - lái xe khách tuyến Thái Nguyên - Hà Nội, cho biết: “Tuyến đường được đầu từ hơn 10.000 tỷ đồng mà đã xuống cấp nghiêm trọng như vậy thì tôi cho rằng quá trình thi công không đảm bảo chất lượng, thiết kế, quy chuẩn xây dựng”.

"Sống trâu, luống cày" trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông vô cùng nguy hiểm

"Chỉ có làm không đúng thiết kế, không đúng quy chuẩn thì mới nhanh xuống cấp như vậy, chứ nếu làm đúng quy chuẩn thiết kế thì tuyến đường này có mà sử dụng 10 năm nữa mới bị xuống cấp và phải tu sửa" - anh Nguyễn Văn Huy - lái xe taxi, nêu quan điểm.

Bạn đọc Trần Văn Tuấn (ở Bắc Từ Liêm - TP Hà Nội) thì nhận định: “Qua bài báo phản ánh tại các điểm sụt lún, "sống trâu", "luống cày" rất có thể là do phía nhà thầu thi công quá nhanh để kịp tiến độ dẫn đến cốt nền chưa được lèn lu chặt, chưa đảm bảo thời gian đã tráng nhựa ...”.

“Đường bồng bềnh, gập gồ như vậy mà lái xe chỉ lơ là, thiếu chú ý thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường khi đi với vận tộc 100km/h” - Đó là ý kiến của chị Nguyễn Diệu Thu khi gọi điện về tòa soạn.

Bạn đọc Trần Văn Kiên, lái xe khách tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, kiến nghị: “Chính phủ và Bộ GTVT cần phải vào cuộc làm rõ xem quá trình Nhà thầu thi công có đúng theo thiết kế được phê duyệt hay không cũng như trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án này ra sao?”.

"Hiện nay, Nhà nước hay nhà thầu sẽ bỏ tiền ra để tu sửa lại các điểm xuống cấp? Liệu rằng sau khi tu sửa xong thì có đảm bảo không không lún không? Các điểm khác nếu cũng bị xuống cấp thì tuyến đường này tu sửa suốt hay sao?" - bạn Hoài, sống tại Bắc Ninh, bức xúc cho biết.

Đường bồng bềnh, lượn sóng thể hiện rõ tình trạng xuống cấp của tuyến đường

Còn bạn đọc Nguyễn Khắc Hà thì hoài nghi: “Nói do xe quá tải chạy làm hỏng đường chỉ là ngụy biện, chưa phải là nguyên nhân chính vì tuyến đường này đa số là xe con, xe khách chạy; xe tải cũng có nhưng không đến mức xuống cấp nhanh như vậy”.

Đại đa số bạn đọc gọi điện về tòa soạn đều cho rằng phía Nhà thầu thi công tuyến đường chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định, ngoài ra có hay không sự buông lỏng giám sát của Chủ đầu tư dự án cho nên mới dẫn đến tình trạng tuyến đường xuống cấp như hiện nay. Bạn đọc cũng kiến nghị Chính phủ cần vào cuộc thanh tra toàn bộ quy trình đấu thầu, thi công dự án này đã đảm bảo đúng thiết kế, đúng quy định của pháp luật hay không?

Trước đó, như báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh về nhiều đoạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên xuất hiện các vết hằn lún từ 2,5 - 4cm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho lái xe rất cao nếu không quan sát kỹ

Dọc tuyến đường này có nhiều đoạn xuống cấp rất nghiêm trọng, nguy hiểm nếu như lái xe không quan sát kỹ khi lưu thông. Đoạn xuống cấp nhất là km 35, nhiều vết hằn bánh xe lồi lên cao vài centimet, các phươg tiện nếu chạy với tốc độ 100km/h mà không tập trung cao độ thì rất nguy hiểm vì xe bị bồng bềnh, lảo đảo, dễ mất lái.

Bằng mắt thường có thể nhìn thấy rõ tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên gồ ghề, sụt lún nghiêm trọng

Chị Nguyễn Thị Dung bức xúc cho biết: “Tôi thường xuyên lái xe về Hà Nội thăm con, thấy nhiều lần có đơn vị sửa đường nhưng sửa đoạn này được thì lại thấy đoạn khác bị lún. Chẳng biết chất lượng khi làm đường có đảm bảo không mà tại sao đường mới khai thác được mấy năm mà đã xuống cấp nghiêm trọng như vậy”.

“Ở nhiều đoạn đường có vết hằn sâu theo kiểu luống cày kéo dài khoảng 2km. Do vậy, buổi tối khi đi qua đoạn này sẽ rất nguy hiểm” - anh Tống Duy Tân, lái xe 4 chỗ thường xuyên đi công tác lên Thái Nguyên, lo lắng cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Ninh Hiệp (Hà Nội) giao với Quốc lộ 1A mới. Điểm cuối nối vào điểm đầu của tuyến tránh Thái Nguyên thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Quy mô đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 km/h theo tiêu chuẩn Việt Nam 5729-97. Dự án được chia làm 2 đoạn chính: đoạn Ninh Hiệp – Sóc Sơn sẽ được khai thác với quy mô 4 làn xe cao tốc với vận tốc cao nhất 100 km/h; đoạn Sóc Sơn – Thái Nguyên sẽ được khai thác với qui mô 4 làn xe cấp I với vận tốc cao nhất 80km/h.

Tư vấn thiết kế và giám sát là Liên danh Tư vấn NIPPON KOEI - JBSI phối hợp với TEDI. Nhà thầu thi công toàn bộ Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp gồm các gói PK1- A; PK1- B; PK1- C và gói thầu PK2. Đơn vị trúng thầu gồm liên danh: Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8), Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1).

Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án 2 làm Chủ đầu tư dự án hơn 10.000 nghìn tỷ từ nguốn vốn vay ODA Nhật Bản

Liên quan đến việc này, trả lời báo chí, ông Cao Việt Hùng - Trưởng phòng Kinh tế kỹ thuật Ban quản lý Dự án 2 cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hằn lún vệt bánh xe là do xe quá tải trọng không được kiểm soát. Từ khi Khu Công nghiệp Yên Bình được xây dựng và đi vào hoạt động thì số lượng phương tiện giao thông tăng lên nhiều. Đây cũng là một nguyên nhân.

"Tại các điểm có vết hằn lún 2,5 cm, đơn vị thi công sẽ khắc phục bằng cách cào bằng rồi trải một lớp nhựa lên. Với những điểm có vết hằn lún trên 2,5 cm thì đơn vị thi công phải cắt và bỏ đi hoàn toàn phần nhựa và trải lớp nhựa mới" - ông Hùng cho biết thêm.

Vậy tại sao dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được đầu tư xây dựng với tổng số vốn khổng lồ hơn 10.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA nhưng chỉ sau 4 năm sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng như vậy phải chăng là do chất lượng thi công không đảm bảo đúng thiết kế hay do nguyên nhân nào khác.

Để có thông tin khách quan, cụ thể, PV đã liên hệ với lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 - Bộ GTVT để có câu trả lời. Tuy nhiên, cán bộ Ban quản lý dự án 2 cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo và sẽ trả lời lại sau.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Hưng - Vi Hải

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ban-doc-buc-xuc-vi-duong-cao-toc-ha-noi--thai-nguyen-xuong-cap-nghiem-trong-d2058597.html