Bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận

Đánh giá khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu của các cơ quan nhà nước trong tỉnh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ cho rằng có thể tiếp cận dễ dàng là rất thấp.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo công bố báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam – Đánh giá của các DN do phụ nữ làm chủ.

Đáng quan tâm, đánh giá khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu của các cơ quan nhà nước trong tỉnh của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ cho rằng có thể tiếp cận dễ dàng là rất thấp.

Các biểu mẫu TTHC được coi là dễ tiếp cận nhất trong số các tài liệu nhưng cũng chỉ có 33,1% cho rằng dễ tiếp cận loại thông tin này, 29,2% thấy dễ tiếp cận các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của trung ương và khó tiếp cận nhất là các bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất.

Chỉ có 9,5% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cho rằng dễ tiếp cận thông tin này, tỷ lệ với các kế hoạch đầu tư công là 9,7% và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và các vùng nguyên vật liệu của địa phương là 10,4%.

“Những loại thông tin trên đều không phải là thông tin mật, theo quy định pháp luật là phải công khai nhưng việc tiếp cận lại không hề dễ dàng. Đối với loại thông tin khó tiếp cận nhất là các bản đồ, quy hoạch sử dụng đất, mặc dù những thông tin này có tác động rất lớn tới quyền lợi của người dân và nhà đầu tư, công tác công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định rất cụ thể, là yêu cầu bắt buộc trong Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản pháp lý khác nhau, nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn nhiều hạn chế”, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết.

Đánh giá khả năng tiếp cận thông tin của các DN do nữ làm chủ

Đánh giá khả năng tiếp cận thông tin của các DN do nữ làm chủ

Báo cáo về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 cũng cho thấy, mặc dù các địa phương trên cả nước đã có nhiều chuyển biến trong công tác công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá bồi thường thu hồi đất, song vẫn chỉ ở mức khiêm tốn và đây vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện.

Một số địa phương đã xây dựng Cổng thông tin quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, nhưng quá trình tiếp cận thông tin quy hoạch qua hình thức này thực tế còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đối với tài liệu về ngân sách của tỉnh, có tới 66,4% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và 71,6% doanh nghiệp nam cho rằng các tài liệu này có vai trò lớn đối với hoạt động kinh doanh của mình, nhưng chỉ có 14,1% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và 13,8% doanh nghiệp do nam giới làm chủ cho rằng tài liệu này là dễ tiếp cận.

Đáng lưu ý, có tới 66,7% cho rằng hiếm khi hoặc không bao giờ dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của tỉnh và 70,7% hiếm khi hoặc không bao giờ dự đoán được việc thực hiện của tỉnh đối với quy định pháp luật trung ương.

Ở một vấn đề khác, khi được hỏi về các thủ tục mua sắm, đấu thầu của cơ quan nhà nước, thì tỷ lệ lớn nhất doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trả lời cho rằng thường biết thông tin qua bạn bè, người quen (26%) trong khi các nguồn thông tin khác tiếp cận được khó khăn hơn: qua website/cổng thông tin của tỉnh (18%), qua báo chí của tỉnh (7%), qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (18%), qua báo Đấu thầu (11%), cơ quan mời thầu thông báo trực tiếp cho doanh nghiệp.

Có tới 82,6% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trả lời cho biết chưa từng được mời tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật của địa phương. Mặc dù Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ yêu cầu các địa phương phải tổ chức ít nhất 2 cuộc đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp hàng năm.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cơ quan soạn thảo có trách nhiệm đăng tải công khai dự thảo trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quy định, nhưng số liệu trên cho thấy. hoạt động này chưa thực sự được doanh nghiệp đánh giá cao.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ban-do-va-cac-quy-hoach-su-dung-dat-doanh-nghiep-van-kho-tiep-can-174372.html