Bán đồ ăn vặt ngoài vỉa hè và những chuyến xe 'mưu sinh'

Những năm gần đây, thị trường nhanh chóng cập nhật các trào lưu về ăn uống như: Trà sữa, xoài lắc, bánh tráng trộn, thịt xiên, cá chiên vỉa hè... Những xe hàng ăn nhanh luôn thu hút khách vì thế doanh thu của những người bán hàng ăn nhanh cũng tăng lên tiền triệu...

Những chuyến xe mưu sinh

Cứ mỗi chiều, tầm từ 16h-17h, người ta lại thấy những xe bán đồ ăn nhanh như thịt xiên nướng, xúc xích rán... gần các cổng trường học luôn đông nghịt khách.

Gặp gỡ cô Đông (52 tuổi, Phú Thọ) là một chủ xe của đồ ăn vặt tại một cổng trường đại học cho hay: "Cô làm nghề bán đồ ăn nhanh này cũng 3 năm rồi, do sức khỏe yếu ở quê không làm được việc nặng lên cô cùng chồng đi Hà Nội tập tành bán đồ ăn nhanh".

Cô Đông tâm sự, làm nghề này tuy nhỏ lẻ nhưng thu nhập khá: "Mới đầu chưa quen nên tôi làm hơi chậm, khách chờ lâu cũng phát cáu. Nhưng giờ đây, tôi luôn tay, luôn chân, thậm chí trong quá trình làm vẫn có thời gian trò chuyện, hỏi han các cháu sinh viên. Có cả chồng nên hai vợ chồng đỡ đần nhau được nhiều. Tôi đứng rán đồ thì chồng tôi phục vụ lấy tương ớt, lấy giấy ăn cho khách".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo quan sát của PV đối tượng khách hàng là những bạn sinh viên và các em học sinh, cứ tầm 17h là các bạn học sinh lại quây kín xe hàng ăn của cô, không cần bàn thậm chí không cần cả ghế các bạn học sinh đứng ăn là chính, đồ nghề của cô chỉ có chiếc xe đạp đèo 1 cái thùng trong đó có chiếc bếp ga mini và cái chảo để rán các xiên que, bên trên có 1 khay giá đỡ để bầy các loại xiên que.

Thường cô bán từ 14h đến 21h ở đường Quang Trung (chợ Hà Đông – Hà Nội), vì là xe đạp nên cô có thể di chuyển dễ dàng trong việc tìm cho mình chỗ đứng. Từng nhóm học sinh đứng túm năm tụm ba vừa ăn vừa nói chuyện, có những em học sinh nhỏ hơn thì được bố mẹ mua cho mang về vừa ngồi sau xe vừa ăn bù năng lượng cho một ngày học tập.

Nhiều bạn sinh viên, học sinh cũng thường đến ăn vặt ở đây cũng cho biết: "Thịt nướng ở đây gần trường lại giá rẻ nên luôn là sự lựa chọn khi tan học. Có những lúc vắng khách chả biết làm gì, có khi tắt bếp 2-3 tiếng chả phải bật lên... lúc thì trở tay không kịp, tan tầm các bạn học sinh đứng quây kín một mình tôi rán không kịp", cô Đông cho biết thêm.

"Đây là bò viên, cá viên, xúc xích, lạp xường, thịt xiên nướng, há cảo, nem chua rán... trung bình mỗi ngày, cô bán từ 900-1.000 xiên que thế này, nhưng vào cuối tuần hay trời mưa thì lượng khách giảm đi nhiều", cô Đông tiết lộ.

Mỗi ngày, khi bắt đầu dọn hàng, cô Đông lại rán trước vài xiên khiến mùi thơm rộ lên cả một góc phố vô cùng hấp dẫn. Từng xiên que vàng rộm, hơi xém, tỏa hương thơm lừng khiến người qua đường không khỏi nuốt nước miếng thòm thèm.

Bạn Thúy Hằng sinh viên năm 2 trường đại học Kiến Trúc cho biết, "cứ hôm nào tụ tập với đám bạn cùng lớp là đều ra đây, ăn mỗi người vài xiên thịt có khi tối về no bụng không cần ăn cơm...".

Được biết mỗi xiên thịt có giá dao động từ 8.000-10.000 đồng/xiên, với những hôm đông khách cô Đông bán đến cả triệu tiền hàng...

Cũng theo cô Đông nguồn gốc của các sản phẩm này rất đảm bảo, nên được nhiều người tin tưởng: "Tôi mua từ các siêu thị, họ đóng gói những túi há cảo hay cá viên vào 1 túi to, mua về xiên vào que rồi đem chiên qua dầu là có 1 xiên há cảo thơm ngon...".

Nghề nào cũng vất vả

Cũng như cô Đông, chị Nga (39 tuổi, Hà Nam) cũng vì mưu sinh nên lên Hà Nội "kiếm nghề".

Mới đầu, chị Nga theo chồng làm phụ hồ nhưng sau đó vì không có sức khỏe nên chị quyết định bán đồ ăn nhanh: "Tôi không có tiền thuê mặt bằng nên nghe bạn bè chỉ cho cách đẩy xe đi bán tại các chợ và cổng trường đại học. Tôi thấy, bán đồ ăn nhanh tuy vất nhưng thu nhập khá. Nguyên liệu nhập cũng có sẵn tại các siêu thị, cửa hàng và có thể đặt các tiểu thương trong chợ".

Cũng theo chị Nga, vất vả nhất của nghề bán hàng ăn nhanh dạo chính trời mưa. Chị Nga kể: "Chiếc xe nhỏ, cồng kềnh có đủ bếp, nguyên liệu, xoong chảo, các loại gia vị... khiến tôi khá khó khăn trong việc di chuyển. Nếu gặp trời mưa, có thể ướt cả người, cả xe. Bởi vậy, tôi rất ngại những hôm thời tiết "dở chứng" như thế này. Chưa kể, có những đợt mưa giông kéo dài cũng có thể khiến chúng tôi nghỉ việc. Nói chung, thu nhập nói tốt nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết".

Chị Nga tâm sự: "Mỗi tháng làm tích cực thu nhập có thể lên tới 10-15 triệu đồng, tuy nhiên số tiền này chỉ đủ cho vợ chồng tôi gửi về quê cho con ăn học, tiền thuê nhà chứ chưa có gì dư dả".

Từ lâu thức ăn đường phố còn trở thành nét văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền.

Dù vậy, chị Nga vẫn lạc quan: "Tôi nghĩ, có một cái nghề mình thích, phù hợp để mưu sinh là tốt rồi. Tôi không mong gì hơn mà chỉ cố gắng để làm tốt, giữ lại "nồi cơm" của mình".

Đồ ăn nhanh ngoài vỉa hè được đánh giá là rất thuận tiện, đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội, từ lâu thức ăn đường phố còn trở thành nét văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền.

Kiều Trang

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-do-an-vat-ngoai-via-he-va-nhung-chuyen-xe-muu-sinh-a449977.html