Bản địa lan ở Sin Suối Hồ

Bản du lịch Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nằm ở độ cao hơn 1.400m, tận cùng phía Tây Bắc của nước ta. Bản có gần 130 hộ gia đình, tất cả là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống của bà con nơi đây dựa chủ yếu vào nguồn thu từ việc tự làm du lịch cộng đồng và trồng cây hoa địa lan để bán.

Chúng tôi đến bản Sin Suối Hồ vào những ngày đầu tháng 11-2019, đúng dịp địa lan đang tích tụ dinh dưỡng sau kỳ bón thúc để nở hoa chào Xuân Canh Tý 2020. Khắp ngõ nẻo, vườn hộ của bản, địa lan xanh mơn mởn, "ngồi" trong chậu tại các đỉnh cột cách mặt đất chừng nửa mét trở lên, vừa kiêu sa, vừa giản dị... Cây hoa địa lan đã làm cho hoạt động du lịch ở đây trở nên độc đáo. Vì thế, nhiều người ở xa đến không gọi đầy đủ tên chính của bản mà gọi là bản địa lan.

Người có nhiều địa lan nhất bản Sin Suối Hồ, cũng là một trong những người “sáng lập” ra nghề trồng địa lan ở đây là Trưởng bản Vàng A Chỉnh. Nhà anh ở gần chợ du lịch của bản. Khách đến nhà Vàng A Chỉnh không chỉ mê phong cách của chủ nhà mà còn đặc biệt thích thú vì được chiêm ngưỡng 700 chậu địa lan đẹp.

 Một vườn địa lan trong bản Sin Suối Hồ.

Một vườn địa lan trong bản Sin Suối Hồ.

Anh Chỉnh kể rằng, địa lan về bản Sin Suối Hồ rất tình cờ! Ấy là dạo sau Tết Tân Mão 2011, anh đi kiếm củi, thấy trong rừng sâu một bụi hoa nở đẹp vô cùng. Anh bứng bụi hoa về trồng trong chậu rồi đặt lên bệ cao trước sân nhà. Những chùm hoa tươi xinh, tới hơn hai tháng vẫn rực rỡ. Đến tháng 3 âm lịch, nhìn cánh hoa bắt đầu tàn, anh tách những cây hoa trong bụi ấy đưa ra trồng ở 5 chậu. Sẵn có phân trâu, anh trộn nó với mùn cưa, cỏ khô rồi bón cho cây hoa. Mùa xuân năm sau, trước sân nhà anh Chỉnh có 5 chậu hoa lạ mà trước đây người trong bản Sin Suối Hồ chưa thấy bao giờ. Một hôm, có đoàn người từ dưới xuôi đi khám phá vùng núi cao Phong Thổ, tạt qua bản. Họ xoắn xuýt bên gia đình anh và thích thú ngắm những bông hoa mập mạp, rực rỡ… Nhờ họ, vợ chồng anh biết đó là giống hoa địa lan quý.

Một người khách ngỏ lời muốn mua những chậu hoa ấy. Vợ chồng anh Chỉnh không bán, chỉ muốn để cho bà con dân bản cùng ngắm. Nhưng nghe khách nói, muốn mang chúng về Thủ đô Hà Nội thì anh chị đồng ý cho mang đi một chậu mà không lấy tiền, vì cũng chẳng biết lấy bao nhiêu thì vừa. Người khách cảm động đưa cho vợ chồng anh một chút, gọi là để cảm ơn. Nghĩ rằng đây là loài hoa sinh lộc, vợ chồng anh Chỉnh dành số tiền khách đưa để mua thêm chậu và nhân số cây đã có ra những chậu mới.

Giờ đây, địa lan đã trở thành cây hoa của cả bản, nhà nhà đều có, ít cũng vài trăm chậu. Nếu tính cả số địa lan bà con trồng trong rừng thì nhiều gia đình có tới nghìn chậu. Quá trình phát triển vườn địa Lan ở bản Sin Suối Hồ gắn liền với sự hỗ trợ của các tổ công tác thuộc Bộ đội Biên phòng tại địa bàn. Các cán bộ, sĩ quan nghiên cứu tài liệu qua sách, báo rồi trực tiếp hướng dẫn bà con cách chăm sóc địa lan, tìm kiếm thị trường để địa lan Sin Suối Hồ được bán với giá tốt nhất. Trong đó có những khách hàng ở Sơn La, Lào Cai, Hà Nội đưa xe ô tô đến tận bản mua với số lượng lớn. Hiện tại, mỗi vụ địa lan, có gia đình ở đây thu về tới nửa tỷ đồng.

Bài và ảnh: MINH CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ban-dia-lan-o-sin-suoi-ho-602801