Bán đấu giá tài sản nợ xấu - hướng đi mới cho VAMC

Năm 2018, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) được giao mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu là 6.600 tỷ đồng.

Bán đấu giá tài sản của các khoản nợ xấu là một hướng đi mới đã cho những tín hiệu ban đầu rất tích cực, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trong việc giúp VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý các khoản nợ xấu.

Tín hiệu tích cực từ phiên đấu giá đầu tiên

Cuối tháng 5 vừa qua, VAMC đã có thông báo đấu giá tài sản lần 2 là khoản nợ xấu của Công ty TNHH Bình Lý mà VAMC mua lại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hà Tây với giá khởi điểm hơn 57,5 tỷ đồng (giá khởi điểm không áp dụng thuế giá trị gia tăng). Thời gian tiếp nhận hồ sơ đến ngày 12-6, số tiền đặt cọc trước là 5 tỷ đồng. Dự kiến phiên đấu giá sẽ diễn ra vào 9 giờ ngày 15-6 tại trụ sở VAMC.

Trước đó, vào tháng 4-2018, phiên đấu giá đầu tiên bán tài sản liên quan khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của TCTD được thực hiện theo Luật Đấu giá (có hiệu lực từ ngày 1-7-2017) đã thành công. Từ đây, mở thêm nhiều cơ hội cho việc “dọn kho nợ xấu”. Tài sản đấu giá là khoản nợ xấu của Công ty CP Sản xuất Vật liệu xây dựng Kim Sơn, VAMC đã mua từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cuộc đấu giá thực hiện theo phương thức trả giá lên, hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá. Giá khởi điểm đấu giá là 8 tỷ 727 triệu đồng. Người trúng đấu giá là một cá nhân với giá trúng đấu giá là 9 tỷ 427 triệu đồng, cao hơn 700 triệu đồng so với mức giá khởi điểm. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), phiên đấu giá được thực hiện thành công với sự tham gia của hai khách hàng đăng ký đấu giá và sự chứng kiến của đại diện BIDV cùng VAMC. Cuộc đấu giá được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của VAMC, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.

Nguồn lực mua nợ xấu chưa tương xứng

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, với sự thành công ngay từ lần đấu giá đầu tiên, sự kết hợp chặt chẽ hơn từ các TCTD, hy vọng VAMC sẽ đạt được kết quả tốt hơn trong việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Qua đó VAMC sẽ tạo ra những đóng góp tích cực, hợp tác và hỗ trợ các TCTD thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu.

Thời gian qua, VAMC đã rất cố gắng xử lý nợ xấu, công ty này không chỉ đơn thuần thực hiện việc gom nợ xấu tại các TCTD mà dần chuyển sang mua bán nợ theo giá thị trường và nỗ lực tổ chức các phiên đấu giá. Song việc tổ chức đấu giá có thành công hay không cũng rất khó đoán định. Nhiều tài sản phải đấu giá 7-8 lần, thậm chí 10 lần vẫn chưa có người mua.

Tiến sĩ Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC nhận định, bức tranh mua bán nợ xấu đang tiến triển thuận lợi hơn. Nhưng thị trường cũng muôn hình vạn trạng. Đấu giá tài sản hay khoản nợ thì cũng có cái dễ, có cái khó, bởi phụ thuộc nhiều yếu tố từ thị trường, chất lượng khoản nợ ra sao, giá cả thế nào… Bên cạnh đó, VAMC đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đã đăng ký với NHNN. Những giải pháp, kết quả mua bán, xử lý nợ xấu năm 2017 sẽ là động lực giúp VAMC hoàn thành kế hoạch trong năm 2018. Song, để việc mua bán, xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, VAMC mong muốn được tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ nội tại cũng như khung pháp lý. Hiện tại, VAMC đã được NHNN cấp đủ 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, với kết quả thực hiện đến hết năm 2017, vốn điều lệ của VAMC chưa tương xứng với khối lượng và khả năng tiếp tục triển khai mua nợ thị trường những năm tiếp theo. Vì vậy, VAMC kỳ vọng trong năm nay sẽ được cấp vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, VAMC cũng đang gặp những khó khăn nhất định liên quan đến khung pháp lý. Về cơ bản, Nghị quyết số 42 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, VAMC nhận thấy có một số quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh.

Theo thống kê sơ bộ, VAMC đã mua 307.932 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng. Số nợ này được VAMC mua từ 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 TCTD kể từ khi thành lập đến hết ngày 31-12-2017. Ngoài ra, VAMC đã ký hợp đồng với 5 TCTD để mua nợ theo giá thị trường của 6 khách hàng với tổng giá mua nợ là 3.142 tỷ đồng. Năm 2018, VMAC được giao xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, nhiều hơn gần 5 lần so với con số đã xử lý trong năm 2017. Được biết, trong tháng 6-2018, VAMC tiếp tục thực hiện phiên đấu giá đối với tài sản bảo đảm là cao ốc Saigon One Tower với giá khởi điểm là 6.110 tỷ đồng.

HOÀNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ban-dau-gia-tai-san-no-xau-huong-di-moi-cho-vamc-541026