Bán đảo Triều Tiên: Khi thể thao hạ nhiệt căng thẳng chính trị

Ngay cả khi tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chậm lại và các lệnh trừng phạt tiếp tục được thực thi thì thể thao vẫn là lĩnh vực gắn kết hai miền Triều Tiên.

Đoàn thể thao hai nước diễu hành dưới lá cờ thống nhất tại Lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018. (Nguồn: WSJ)

Trong lịch sử, thể thao từ lâu đã được coi như một công cụ ngoại giao trong quan hệ quốc tế. Các nước sử dụng thể thao để nâng cao hình ảnh quốc gia hay sưởi ấm quan hệ giữa các bên. Chẳng hạn, ngoại giao bóng bàn giúp phá băng trong quan hệ Mỹ-Trung những năm 1970, hay thông qua việc đăng cai sự kiện thể thao, các nước mới nổi có cơ hội tăng cường vị thế như Hàn Quốc với Thế vận hội mùa Hè 1988 và Trung Quốc với Thế vận hội mùa Hè 2008. Trong trường hợp quan hệ liên Triều, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã tận dụng Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và mở ra cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.

Thế vận hội thống nhất

Ý tưởng Triều Tiên tham gia Thế vận hội PyeongChang mà Hàn Quốc làm chủ nhà được ông Kim Jong-un đưa ra trong Thông điệp Năm mới 2018. Nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng cử một phái đoàn của nước này tới Hàn Quốc tham gia Thế vận hội, đồng thời Bình Nhưỡng để ngỏ khả năng đối thoại với Seoul.

Ngay sau khi ông Kim Jong-un “mở lời”, ngày 9/1/2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành hội đàm cấp cao tại làng đình chiến Panmunjom. Hai bên tổ chức nhiều cuộc gặp, các chuyến thị sát địa điểm thi đấu và nơi ở của vận động viên, bàn chuyện lập đội tuyển chung... Sự chủ động nắm bắt cơ hội của Hàn Quốc cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực của hai phía cho thấy Seoul và Bình Nhưỡng đều muốn tận dụng giao lưu thể thao để cải thiện quan hệ đôi bên rất căng thẳng do các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong năm 2017.

So với thời điểm Triều Tiên tẩy chay Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 1986 và Thế vận hội mùa Hè 1988 tại Seoul, rõ ràng là động thái hòa dịu này có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai miền, vốn về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh do Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến thay vì hiệp ước hòa bình.

Đã có tranh cãi về việc cử các nữ vận động viên khúc côn cầu hai miền hợp sức thi đấu tại PyeongChang. Một cuộc khảo sát trước Thế vận hội cho thấy, 70% người Hàn Quốc phản đối ý tưởng này. Nhiều người lo ngại các vận động viên Hàn Quốc đã phấn đấu để có mặt trong danh sách tham dự Thế vận hội phải dành cơ hội cho các cầu thủ Triều Tiên. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực và thiện chí, hai nước không chỉ cùng lập nên một đội khúc côn cầu trên băng nữ mà còn sải bước bên nhau dưới lá cờ thống nhất tại Lễ khai mạc Thế vận hội PyeongChang.

Đáng chú ý, phái đoàn cấp cao Triều Tiên do Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Kim Yong-nam dẫn đầu đã tới PyeongChang dự lễ bế mạc Thế vận hội và có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in. Đặc biệt, trong đoàn có bà Kim Jo-yong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Kể từ sau năm 1953, đây là đoàn cấp cao nhất của Triều Tiên tới Hàn Quốc, và bà Kim Jo-yong là thành viên đầu tiên của gia tộc Kim đến Hàn Quốc. Truyền thông nhà nước Triều Tiên miêu tả sự kiện “đầy ý nghĩa” này góp phần “cải thiện quan hệ liên Triều đang bị đình trệ”.

Hơn thế, nỗ lực ngoại giao thông qua Thế vận hội PyeongChang còn thắp lên hy vọng hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng gửi lời mời Tổng thống Moon Jae-in tới thăm nước này. Tiếp đó, lãnh đạo hai nước đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 4/2018, 11 năm sau thượng đỉnh liên Triều gần đây nhất.

Đội nữ đua thuyền hai miền Triều Tiên ăn mừng tấm huy chương vàng tại ASIAD 2018 ở Indonesia. (Nguồn: AP)

Đối thủ thành đồng đội

Theo The Diplomat, Hàn Quốc và Triều Tiên có ý tưởng cử các vận động viên hợp sức thi đấu tại Thế vận hội Tokyo 1964, nhưng nỗ lực này đã thất bại. Đến năm 1991, trải qua 22 vòng đàm phán trong năm tháng, hai miền Triều Tiên đã thành lập được đội tuyển chung tham dự Giải Vô địch bóng bàn thế giới lần thứ 41 tại Chiba, Nhật Bản. Đó là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh, các vận động viên của hai nước cùng khoác một màu áo và xuất sắc vượt qua đội Trung Quốc - những người thống trị làng banh nhựa thế giới từ năm 1975 - để giành huy chương vàng.

Tuy nhiên, hợp tác thể thao giữa hai miền sau đó đã suy yếu và chỉ khởi sắc trở lại vào cuối thập niên 1990, khi chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (1998-2003) thực hiện Chính sách Ánh dương với đường lối ngoại giao mềm dẻo. Kết quả là, đoàn vận động viên của hai bên đã cùng diễu hành dưới lá cờ thống nhất tại Thế vận hội mùa Hè Sydney 2000. Lá cờ đặc biệt này tiếp tục tung bay trong các sự kiện ASIAD 2002 tại Busan (Hàn Quốc), Thế vận hội mùa Hè 2004 tại Athens (Hy Lạp), Thế vận hội mùa Đông 2006 tại Torino (Italy), ASIAD 2006 tại Doha (Qatar). Thế nhưng cho đến Thế vận hội PyeongChang tháng 2/2018, Hàn Quốc và Triều Tiên mới lại đạt được thành công trong việc hợp nhất hai đội tuyển thể thao để cùng thi đấu.

Song hành cùng diễn biến chính trị tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, Thế vận hội mùa Đông này mở đầu cho một loạt hoạt động giao lưu thể thao giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Hai bên diễu hành dưới lá cờ thống nhất và thành lập các đội tuyển chung tranh tài ba môn rowing, canoeing, bóng rổ nữ tại ASIAD 18 ở Indonesia; đồng ý dự Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 với các đội tuyển hợp nhất ở bốn môn gồm bóng rổ, hockey trên cỏ, chèo thuyền và võ judo. Hai bên còn cân nhắc khả năng chung tay tổ chức Giải Vô địch bóng đá nữ thế giới 2023, bàn về việc đồng đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2032...

Tháng 5/2018, một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong làng thể thao đỉnh cao thế giới đã diễn ra: Các cô gái Hàn Quốc và Triều Tiên quyết định hợp nhất để thi đấu với đội Nhật Bản tại Giải Vô địch bóng bàn thế giới ở Thụy Điển. Đầu giải đấu, họ là đối thủ, đến vòng bán kết, họ trở thành đồng đội và giành được tấm huy chương đồng đầy ý nghĩa.

Trận túc cầu ba không

Nói đến hợp tác thể thao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên không thể không nhắc đến bóng đá - một trong những môn thể thao đầu tiên mang đến cơ hội gắn kết hai miền. Chẳng hạn vào năm 2014, Triều Tiên đồng ý cho hai đội tuyển bóng đá nam và nữ tham dự ASIAD 17 tại Incheon, Hàn Quốc vào thời điểm mà tình hình Bán đảo Triều Tiên đang nóng lên, Bình Nhưỡng thậm chí cảnh báo tiến hành chiến tranh hạt nhân. Khi ấy, hãng tin Yonhap nhận định “động thái trên của Triều Tiên nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai miền thông qua hoạt động thể thao”.

Gần đây nhất, tháng 10/2019, trận đấu vòng loại Giải Vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022 giữa đội tuyển nam của hai nước đã diễn ra trên Sân vận động Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Đây là lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ, trận túc cầu giữa hai đội được tổ chức trên lãnh thổ Triều Tiên, thay vì trên một sân trung lập như tại vòng loại các kỳ World Cup trước.

Tuy nhiên, cách mà trận đấu này diễn ra - không truyền hình trực tiếp, không có bóng dáng đội ngũ báo chí nước ngoài và không có cả cổ động viên - khiến người ta đặt câu hỏi: “Làm sao có thể đồng đăng cai Thế vận hội khi mà chúng ta còn không thể cùng xem một trận bóng đá?”.

Một trận đấu bóng đá đầy tính đua tranh khó có thể cải thiện đáng kể hay làm xấu đi quan hệ giữa hai nước khi đèn trên sân vận động đã tắt. Và dù thể thao đóng vai trò hữu ích trong ngoại giao, nhưng ngoại giao thể thao chưa bao giờ dẫn đến một giải pháp chính trị lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Dẫu vậy, dư luận vẫn tin rằng các hoạt động ngoài ngoại giao truyền thống cần được khuyến khích, góp phần hạ nhiệt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Nhật Nguyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ban-dao-trieu-tien-khi-the-thao-ha-nhiet-cang-thang-chinh-tri-107959.html