Bán đảo Triều Tiên 'căng như dây đàn'

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên những ngày này đang “căng như dây đàn” sau khi Mỹ và Triều Tiên liên tiếp đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào nhau…

“Ăn miếng trả miếng”

Trong bản tin sáng 10-8, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Quân đội Triều Tiên đã công bố chi tiết về kế hoạch tấn công đảo Gu-am, vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương của Mỹ, vào giữa tháng 8 này. Đảo Gu-am hiện có 2 căn cứ quân sự của Mỹ là căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Apra-Harbour. Thông báo của KCNA cho biết, lực lượng chiến lược Triều Tiên đang "nghiêm túc đánh giá" kế hoạch cho một "cuộc tấn công bao trùm" nhằm vào Gu-am. Theo đó, 4 tên lửa Hwasong-12 sẽ được bắn "nhằm ngăn chặn lực lượng kẻ thù tại các căn cứ quân sự ở Gu-am và phát đi cảnh báo nghiêm trọng tới Mỹ". Các tên lửa này sẽ bay qua không phận các tỉnh Si-na-mê, Hi-rô-si-ma và Cô-i-chi của Nhật Bản, với hành trình 3.356,7km và đáp xuống cách Gu-am khoảng 30 đến 40km. Kế hoạch này sẽ được đệ trình nhà lãnh đạo Kim Châng Un để đưa ra quyết định cuối cùng.

Đáp lại lời đe dọa của Bình Nhưỡng, ngày 10-8, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này đã chuẩn bị cho kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên trong trường hợp Tổng thống Đô-nan Trăm ra lệnh. Kênh truyền hình NBC của Mỹ tiết lộ, điểm mấu chốt trong kế hoạch trên là cuộc tấn công bằng các máy bay chiến lược B-1B Lancer từ căn cứ Andersen trên đảo Gu-am. Mục tiêu của cuộc không kích có thể sẽ là khoảng 20 bãi phóng tên lửa, thử nghiệm và các mục tiêu bảo đảm kỹ thuật của Triều Tiên.

Mặc dù tình trạng căng thẳng quân sự đang gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, song cho đến nay, Hải quân Mỹ vẫn chưa có kế hoạch nào về việc triển khai thêm một chiếc tàu sân bay tới khu vực này. “Quyết định điều một tàu sân bay với hàng nghìn nhân viên và hàng chục máy bay chiến đấu trên boong như vậy là điều không dễ dàng gì”, một nguồn tin mật tiết lộ.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố sẽ sử dụng "mọi biện pháp thích hợp" để bảo vệ Mỹ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Ảnh: AP

Trong tuyên bố ủng hộ sự cứng rắn của Mỹ, ngày 10-8, ông Hô Che Chơn (Ho Jae-cheon), người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, nhấn mạnh nếu Triều Tiên vẫn có hành động khiêu khích thì nước này sẽ phải đối mặt với “hành động đáp trả mạnh mẽ và cương quyết của các lực lượng đồng minh”.

Từ Tô-ki-ô, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Y-ô-si-hi-đê Xư-ga (Yoshihide Suga) khẳng định với giới báo chí rằng, các lực lượng phòng vệ nước này sẽ áp dụng "mọi biện pháp cần thiết" để đối phó. Ngoài ra, Quân đội Nhật Bản cũng được phép chặn tên lửa do Triều Tiên phóng tới Gu-am nếu tên lửa này bị đánh giá là một mối đe dọa ảnh hưởng tới Nhật Bản.

Theo nhận định của nhà phân tích thuộc Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc Sin Châng Úc (Shin Jong-Wook), Gu-am hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa Hwasong-12 và Bình Nhưỡng đã kiểm tra khả năng của loại tên lửa này thông qua vụ phóng thử thành công hồi tháng 5 vừa qua.

Nhằm trấn an người dân sống trên đảo Gu-am, Thống đốc đảo Gu-am Ét-đi Can-vô (Eddie Calvo) cho rằng, việc Triều Tiên phát đi tín hiệu sẽ tấn công tên lửa nhằm vào Gu-am là "biểu hiện của sự sợ hãi". Ông cho biết thêm, người dân Gu-am tỏ ra quan ngại nhưng không hề hoảng loạn và các nhà chức trách địa phương rất tự tin rằng không hề có mối đe dọa gia tăng nào bất chấp những cảnh báo về một cuộc tấn công mà Triều Tiên đưa ra trước đó.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế

Trước tình trạng leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tê-rết (Antonio Guterres) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước "việc gia tăng các phát biểu mang tính đối đầu" giữa Triều Tiên và Mỹ. Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Xích-ma Ga-bri-en (Sigmar Gabriel) kêu gọi Mỹ và Triều Tiên kiềm chế đe dọa lẫn nhau, khẳng định vũ lực không phải là giải pháp để đạt được phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt mới đây của LHQ đối với Triều Tiên cần được thực thi triệt để hơn. Mát-xcơ-va cũng bày tỏ hy vọng Oa-sinh-tơn sẽ tránh bất kỳ động thái nào có thể kích động Triều Tiên có những hành động nguy hiểm, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đối thoại chính trị để làm dịu căng thẳng.

Tuy nhiên, một cuộc chiến quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ khó có khả năng xảy ra. Theo nhận định của Đại tá quân đội Mỹ nghỉ hưu Giắc Gia-cốp (Jack Jacobs), Mỹ sẽ "không bước vào cuộc chiến với Triều Tiên". Vị đại tá từng được trao Huy chương Danh dự này cho rằng, Triều Tiên sẽ không sớm từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình trừ phi Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể đạt được một hiệp định với Bình Nhưỡng. Ông cũng cho rằng Mỹ sẽ không thể tự xoay xở trong vấn đề này nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ban-dao-trieu-tien-cang-nhu-day-dan-514751