Bạn đã mắc sai lầm nếu để điện thoại ở 8 vị trí này

Hàng tỷ chiếc điện thoại di động được sử dụng mỗi ngày trên khắp thế giới, nhưng không phải ai cũng biết bảo quản điện thoại của mình đúng cách.

Chúng ta luôn rất thận trọng trong việc lựa chọn cho mình một chiếc điện thoại ưng ý, thậm chí tỏ ra cầu kỳ với cách trang trí sao cho độc đáo, cá tính nhất. Song không phải ai cũng biết đặt điện thoại ở đâu khi mang bên mình hoặc cất giữ chúng trong môi trường ra sao để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và chiếc điện thoại.

Dưới đây là 8 vị trí để điện thoại sai lầm mà rất có thể bạn từng mắc phải.

1. Túi quần sau

Nhét điện thoại vào túi quần sau sẽ đem lại cảm giác thoải mái cho người dùng khi đỡ phải "lăm lăm" cầm chúng trên tay, nhưng đây là những vấn đề bạn sẽ gặp phải nếu để điện thoại ở vị trí này:

- Những chiếc điện thoại màn hình cảm ứng có thể bị mở khóa màn hình, "bấm" các thao tác trên điện thoại bởi phần vải quần tiếp xúc. Một nghiên cứu cho hay, có đến 30% số cuộc gọi đến 911 là tình cờ do để điện thoại trong túi áo, túi quần.

- Một nghiên cứu đăng trên trang consumerreport chỉ ra rằng, việc để điện thoại trong túi quần sau rồi vô tư ngồi lên có thể làm cong cả chiếc điện thoại, đồng thời đây cũng là nguyên nhân chính gây ra chứng đau dây thần kinh tọa, chứng đau ở mông và chân.

2. Túi quần trước

Nam giới thường không có thói quen mang theo túi xách, vì vậy việc để điện thoại trong túi quần trước dễ dàng trở thành một thói quen nguy hiểm mà ít người quan tâm đến. Theo TheChart, bức xạ điện từ của chiếc điện thoại di động được đặt trong túi quần trước làm suy giảm trực tiếp chất lượng và số lượng của "tinh binh". Đàn ông để điện thoại trong túi quần trước càng lâu, càng dễ mắc phải các chứng suy giảm khả năng sinh sản.

3. Áo ngực

Không nhiều nhưng không phải chưa từng có chị em phụ nữ nào đặt chiếc điện thoại vào trong áo ngực trên người. Trong y học hiện đại, hiện vẫn chưa có sự đồng thuận nào cho câu hỏi bức xạ điện thoại di động có thể gây ra ung thư vú hay không. Nhưng theo một số nhà khoa học, việc này sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư vú. Chưa có kết luận cụ thể nhưng tốt nhất là không bao giờ để điện thoại ở vị trí đó.

4. Hông

Một nghiên cứu về chẩn đoán và theo dõi các bệnh nhân loãng xương của Đại học Suleyman Demireli (Thổ Nhĩ Kỳ) cho thấy, 150 người đàn ông thường xuyên mang điện thoại di động gắn ở thắt lưng có mật độ xương vùng chậu loãng hơn những người để điện thoại chỗ khác rất nhiều. Nguyên nhân chính là do các ảnh hưởng xấu bởi trường điện từ phát ra từ chiếc điện thoại di động. Để tránh ảnh hưởng xấu này, tốt nhất nên để điện thoại vào trong một chiếc túi xách dày bên mình.

5. Để điện thoại áp vào mặt quá lâu

Trên trang ChicagoTribune, một nghiên cứu cho thấy sẽ rất tai hại nếu người dùng áp điện thoại di động quá lâu lên các vùng da trên cơ thể và thông thường nhất là da mặt. Trong quá trình nghe điện thoại, các vi khuẩn từ màn hình hay nút trên điện thoại có thể di chuyển và gây thương tổn tới da mặt của bạn. Thậm chí thói quen "buôn chuyện" còn khiến người dùng bị phơi nhiễm bức xạ của điện thoại. Các nhà nghiên cứu khuyên rằng, nên để điện thoại cách tai và da mặt ở khoảng cách ít nhất là 5mm khi nói chuyện.

6. Nơi quá lạnh hoặc quá nóng

Nếu ngoài trời quá lạnh và nhiệt độ xuống dưới 0 độ, hãy chú ý chăm sóc chiếc điện thoại của bạn. Giống như con người, sự khác biệt về nhiệt độ cũng rất có hại tới "tuổi thọ" và "sức khỏe" của điện thoại. Hãng Apple đã giới hạn phạm vi nhiệt độ từ 0 đến 35 độ C cho những chiếc iPhone mình làm ra và khẳng định sẽ không bảo hành nếu người dùng làm hỏng máy vì để chúng trong nhiệt độ lạnh hơn hoặc nóng hơn mức cho phép. Trong khi đó, phạm vi này ở hãng điện thoại Nokia là từ âm 10 độ đến 55 độ C, Samsung cũng đề xuất phạm vi từ âm 20 độ đến 50 độ C.

7. Dưới gối ngủ

Đây là một trong những vị trí đặt điện thoại sai lầm thường gặp của người dùng. Nguyên nhân được chỉ ra là:

- Ban đêm, các thông báo thường xuất hiện và làm cho màn hình sáng lên. Ánh sáng từ điện thoại sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình sản xuất melatonin, một loại chất giúp con người có cảm giác buồn ngủ và ngủ sâu hơn. Bóng tối làm cho cơ thể sản xuất nhiều melatonin, trong khi ánh sáng lại làm giảm quá trình này và báo hiệu cho cơ thể để chuẩn bị thức giấc.

- Khi để điện thoại dưới gối hay gần đầu trong một thời gian dài, bức xạ điện từ sẽ gây ra chứng nhức đầu hoặc chóng mặt.

- Đã có nhiều trường hợp điện thoại bị nổ xảy ra hỏa hoạn chết người. Khi che điện thoại bằng gối, nhất là trong lúc điện thoại đang sạc, chúng sẽ bị nóng lên. Nhiệt độ không thoát được ra bên ngoài nên tích tụ và gây nổ pin, phát hỏa và gây nguy hiểm cực độ tới người đang ngủ.

8. Xe đẩy

Nhiều bậc phụ huynh khi đưa con đi dạo bằng xe đẩy có thói quen để luôn điện thoại của mình vào trong xe hoặc đưa cho con nghịch. Một nghiên cứu đăng tải trên trang webMD cho rằng, điện thoại và bức xạ điện từ của nó ảnh hướng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Việc để trẻ vô tư dùng điện thoại thậm chí còn gây ra những chứng bệnh như rối loạn hành vi. Biện pháp tốt nhất là hãy tìm mọi cách để cách ly những chiếc điện thoại ra xa cơ thể và tầm nhìn của lũ trẻ.

Trọng Đạt (theo B.S)

Nguồn iOne: https://ione.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-tinh/khoe/ban-da-mac-sai-lam-neu-de-dien-thoai-o-8-vi-tri-nay-3690266.html