Bạn đã ăn hoa quả đúng cách?

Trái cây rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều thói quen khi ăn trái cây lại gây hại cho cơ thể.

Trái cây là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng và khoáng chất tự nhiên, rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là những ngày hè nắng nóng. Tuy nhiên, bạn tưởng rằng việc ăn trái cây là chuyện vô cùng đơn giản, song rất có thể bạn đang mắc một số sai lầm khi ăn chúng.

Dưới đây là một số sai lầm cần tránh, để chúng ta có thể nhận được dinh dưỡng từ hoa quả một cách đầy đủ nhất.

1. Mọi trái cây đều giống như nhau

Theo Prevention, không phải loại trái cây nào cũng chứa lượng vitamin, khoáng chất hoặc tinh bột, đường và chất xơ như nhau. Tiến sĩ Barry Sears, tác giả cuốn "The Mediterranean Zone" cho biết các loại trái cây tốt nhất là những loại chứa nhiều polyphenols và có chỉ số glycemic thấp nhất. Đơn cử, trái cây màu sẫm, như nho đen, đều chứa nhiều chất chống oxy hóa và ít đường hơn các loại màu sáng, như chuối hay dưa hấu.

2. Tráng miệng bằng trái cây

Tráng miệng bằng trái cây sau mỗi bữa ăn, luôn được coi là điều nên làm để tăng lợi ích cho sức khỏe. Nhưng điều này thực sự là một thói quen không có lợi, vì lúc này dạ dày đang chứa một lượng thực phẩm lớn, lại nạp thêm một lượng trái cây, điều này làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm cho dạ dày và đường ruột chướng khí, táo bón...

Không nên ăn trái cây ngay sau bữa ăn. Ảnh: Internet

Hơn nữa, khi đó, dạ dày cũng không thể hấp thu được hết dưỡng chất, khoáng chất, vitamin từ trái cây đem lại do phải phân tán hoạt động để tiêu hóa lượng đồ ăn của bữa chính. Ngoài ra, trong hoa quả còn chứa nhiều carbohydrate sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, đường ruột và tuyến tụy. Đặc biệt, có một số loại quả có lượng tinh bột cao, không dễ tiêu hóa.

Vì thế, bạn nên ăn trái cây 1 giờ trước bữa ăn là cách tốt nhất để cơ thể hấp thụ các loại vitamin và chất có trong hoa quả.

3. Gọt vỏ trước khi ăn

Lo sợ dư lượng thuốc trừ sâu, nhiều người thường bỏ đi lớp vỏ bên ngoài của hoa quả, mà không biết rằng với một số loại quả, dinh dưỡng của nó tập trung chủ yếu ở vỏ, đó là nơi chứa nhiều vitamin cùng chất chống oxy hóa nhiều hơn cả. Một vài nghiên cứu còn chứng minh rằng vỏ trái cây còn là có khả năng ngăn ngừa béo phì và ung thư, ví dụ như táo.

Bởi thuốc trừ sâu không chỉ ngấm ở ngoài vỏ mà còn có trong quả nên gọt vỏ không có tác dụng gì. Do đó, bạn chỉ cần rửa sạch hoặc ngâm trái cây trong nước muối trước khi ăn thay vì gọt vỏ.

4. Ăn quá nhiều trái cây

Một số người cho rằng ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ giúp giảm cân hiệu quả, tuy nhiên, Tiến sĩ Sears không nghĩ đó là cách thông minh. Thông thường, trái cây có vị ngọt và ngon do chỉ số glycemic cao, khiến lượng đường huyết, calo tăng lên.

Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến cáo mỗi người lớn chỉ nên ăn khoảng 2 chén trái cây mỗi ngày, tùy thuộc vào tuổi tác và mức độ tập thể dục và nên chọn loại quả có kích thước nhỏ.

5. Chỉ uống nước ép

Nước ép trái cây không có chất xơ, làm chậm quá trình giải phóng glucose trong máu. Do đó, tốt hơn là bạn nên ăn trái cây hoặc (thỉnh thoảng) tiêu thụ sinh tố thay vì nước ép.

6. Gọt hoa quả không ăn ngay

Nhiều người không biết rằng trái cây gọt để lâu sẽ ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng, thẩm mỹ, màu sắc cũng như sự ngon miệng của chúng mang lại. Sau khi gọt vỏ, bổ thành từng miếng để càng lâu hàm lượng dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất của chúng đã bị hao hụt một phần nào. Do đó, nếu cắt trái cây xong nên ăn ngay, không nên bổ sẵn rồi bỏ vào tủ lạnh ăn dần.

7. Chế biến trái cây

Các loại chè, xôi… sử dụng trái cây đều không có nhiều dưỡng chất. Ảnh: Internet

Trái cây khi bị nấu chín, đun nóng hoặc sấy khô đều mất gần hết chất bổ và chỉ còn lại hương vị. Khi bạn hâm nóng hay nấu trái cây thành món ăn thì thực sự... bạn đang ăn bã của chúng. Các loại chè, xôi… sử dụng trái cây đều không có nhiều dưỡng chất. Nếu muốn kết hợp trái cây với bữa ăn, bạn chỉ nên trộn trái cây và rau củ tươi thành một bát salad thơm ngon, lưu ý là sử dụng ít các loại sốt và dầu dấm thôi nhé!

N. HÀ (T/h)

Nguồn PLO: http://plo.vn/an-sach-song-khoe/ban-da-an-hoa-qua-dung-cach-765405.html