Bàn chuyện chống trốn ở lại định cư bất hợp pháp của lao động Việt tại nước ngoài

Hiện tượng lao động Việt Nam tại nước ngoài tìm cách định cư bất hợp pháp ngoài sau thời gian hợp đồng tiếp tục là một vấn đề chưa được giải quyết.

Từ năm 2013 đến năm 2021, đã có gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, vấn nạn người lao động trốn ở lại thì vẫn diễn ra phổ biến. Cũng chính vì lý do này, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên định hướng và chuyển mục tiêu xuất khẩu lao động không phải vì thu nhập, kinh tế mà cần nâng cao kỹ năng tay nghề để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động sau khi hết hạn hợp đồng.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tương đối lớn. Hằng năm, số tiền người lao động gửi về gia đình ước tính khoảng 120-150 triệu USD (tương đương hơn 2.700 - 3.400 tỷ đồng). Do đó, nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng cũng không muốn về nước mà trốn ở lại, cư trú bất hợp pháp.

Ông LÊ ĐÌNH TÙNG, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa: “Vẫn còn một số huyện, thành phố, chính quyền địa phương,cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người lao động thuộc địa bàn quản lý khi lao động hết hợp đồng về nước. Vẫn còn nhiều gia đình chưa quyết liệt trong việc vận động, kêu gọi, khuyên nhủ người thân đang cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, trông chờ vào các biện pháp của Nhà nước”.

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng này, các đơn vị liên quan cần phối hợp, khai thác và phát triển các thị trường lao động có thu nhập cao, mở rộng ngành nghề, độ tuổi và yêu cầu tuyển dụng phong phú, đa dạng; đặc biệt là phải nâng cao được tay nghề cho người lao động.

Ông NGUYỄN LƯƠNG TRÀO, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Bây giờ chúng ta phải đưa thành mục tiêu người lao động đi nước ngoài mục tiêu chính, lớn, quan trọng, nhất là vấn đề tiếp thu kiến thức, trau dồi kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, phong thái làm việc, kiến thức quản lý.... Tóm lại tất cả những thứ chuẩn bị cho tương lai phát triển nghề nghiệp sau khi về nước”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc mở rộng các thị trường mới. Đối với các thị trường truyền thống, cần xây dựng thể chế, ký kết biên bản thỏa thuận lâu dài để người lao động Việt Nam có thể ở lại làm việc.

Ông NGUYỄN XUÂN LANH, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH EsuHai:Chính sách mới của Việt Nam và Nhật Bản là tiếp nhận lại người lao động đã đi làm việc ở bên nước họ giai đoạn 1 - thực tập trên 3 năm. Nhưng sắp tới họ sẽ mở ra để người lao động có thể ở lại Nhật Bản một cách hợp pháp. Điều này sẽ giúp tỷ lệ người lao động bỏ trốn hay vi phạm pháp luật được hạn chế tối đa”.

Vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài cũng được đặt ra để có thể bảo vệ đối đa quyền và lợi ích của người lao động khi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, thúc đẩy thị trường lao động nước ngoài thực sự phát triển, nâng cao chất lượng tay nghề.

Thực hiện : Tuấn Anh Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ban-chuyen-chong-tron-o-lai-dinh-cu-bat-hop-phap-cua-lao-dong-viet-tai-nuoc-ngoai