Bạn chỉ sống một lần, vì vậy hãy làm những điều này để khỏi hối tiếc

Hối tiếc là rào cản lớn khiến bạn không thể sống cuộc sống mình mong muốn. Bạn có thể bắt đầu biết ơn từng ngày được sống bằng cách yêu con đường bạn đi, khám phá mong muốn của bản thân và quên đi quá khứ.

1. Lập danh sách những điều cần làm trước khi chết

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người có xu hướng hối tiếc những điều mình chưa làm được nhiều hơn điều đã làm. Vậy nên hãy lập danh sách những điều bạn muốn làm trước khi chết. Có thể là một trải nghiệm "nhỏ" như du lịch đến lục địa khác hoặc "lớn" như nâng cao sự nghiệp hay có con.

2. Tin tưởng vào bản thân

Không tin tưởng vào khả năng của bản thân đóng vai trò chính khiến bạn sợ bị thất bại. Bạn sợ hãi, bạn muốn trốn tránh, không muốn thử sức vì sợ sẽ bị khám phá ra bạn không có khả năng? Nhưng bạn ơi, bạn biết không? Nguồn cơn của sự sợ hãi này lại không nằm ở thực tế, mà nằm ở tâm lý chúng ta. Không ai hoàn hảo cả.

Sự khác biệt giữa những người thành công và biết vượt qua thất bại chính là cách bạn nhìn nhận thất bại và ảnh hưởng của nó lên bạn. Hãy tin vào bản thân, và việc phải làm là ngẩng cao đầu và tiếp tục cố gắng.

3. Thẩm định bản thân để tìm ra điểm mạnh

Nếu bạn không chắc chắn về mục tiêu mình theo đuổi trong cuộc sống hay điều gì là ý nghĩa, hãy làm bài kiểm tra tính cách và năng khiếu. Bài kiểm tra sẽ giúp bạn khám phá điểm mạnh và tìm ra con đường tiềm năng phù hợp với điểm mạnh đó.

Nếu vẫn chưa rõ, bạn có thể gặp tư vấn viên hoặc chuyên viên khai vấn cuộc sống. Những chuyên gia này tập trung giúp đỡ mọi người khám phá tài năng bẩm sinh và vượt qua khó khăn. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn cảm thấy thất vọng vì không biết nên sống tiếp thế nào.

4. Sống cho hiện tại

Sợ thất bại? Bạn đang lo lắng cho tương lai với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nếu bạn quẩn quanh với suy nghĩ đó, bạn sẽ sống và lo lắng những gì có thể xảy ra. Tại sao chúng mình không cứ làm đi, ngay tại thời điểm hiện tại, tập trung vào những gì bạn đang làm.

Bằng suy nghĩ đó, tiềm năng của bạn sẽ được khám phá, khả năng sáng tạo, nhạy bén sẽ bùng nổ. Thất bại trong quá khứ là bài học cho sự hiểu biết trong hiện tại và tương lai được xây dựng qua những gì bạn cam kết ở hiện tại. Đừng để tương lai của bạn bị dẫn dắt bởi nỗi sợ mơ hồ về những mất mát có thể xảy ra nhé.

5. Nối lại mối quan hệ đổ vỡ

Nếu gặp vấn đề trong việc duy trì mối quan hệ với người bạn thân, người yêu hay thành viên trong gia đình, hãy làm theo các bước sau để củng cố mối quan hệ:

- Là người chủ động khi có những bất đồng lập đi lập lại. Nhận ra dấu hiệu và nguyên nhân gây nên sự tranh cãi, dừng nó lại và tái định hướng bản thân để nhận thức những thói quen cư xử cũ. Điều này giúp bạn thay đổi cách phản ứng và hành động có chủ định hơn.

- Thể hiện bản thân theo cách từ bi hơn, ít đối đầu hơn. Sử dụng ngôn ngữ "Tôi" thay vì "bạn", chẳng hạn như "Tôi thấy thất vọng vì những gì bạn nói" thay vì "Bạn thật là thô lỗ".

- Tìm cách đối phó với cảm xúc của bản thân, chẳng hạn như tập thiền chánh niệm khi cảm thấy tức giận. Bạn chỉ cần tập trung chú ý đến nhịp thở.

6. Đặt ra mục tiêu

Không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được nguyện vọng cao nhất trong cuộc sống. Sử dụng kỹ thuật đặt ra mục tiêu để giúp bạn làm việc một cách hiệu quả hơn. Sau đây là một vài lời khuyên để đề ra mục tiêu thực tế và có khả năng thành công:

- Đặt mục tiêu có thể đánh giá được. Điều này giúp bạn cảm thấy hoàn thành và luôn có động lực khi thấy sự tiến bộ.

- Đặt mục tiêu khó nhưng thực tế. Hãy thử tìm sự cân bằng giữa mục tiêu mang tính thách thức nhưng không hề bất khả thi. Nếu mục tiêu quá dễ dàng bạn sẽ thấy chán nản và không phát triển nhiều. Nếu mục tiêu quá khó bạn sẽ thất vọng và bỏ cuộc.

- Xây dựng mục tiêu linh hoạt. Hình thành thói quen cũng tốt nhưng nếu mục tiêu quá cứng nhắc và bạn không đáp ứng được có thể là trở ngại. Vậy nên bỏ qua mục tiêu đó bây giờ sẽ tốt hơn là vắt kiệt sức lực bản thân.

7. Tập trung vào trải nghiệm

Nghiên cứu chỉ ra rằng con người thường hối tiếc về vấn đề mua sắm, họ thường tiếc vì không mua hay đã mua thứ gì đó. Tâm lý học chỉ ra rằng vật chất, hay theo đuổi "vật chất" không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Trải nghiệm sẽ tạo ra những hồi ức lâu dài, trong khi "vật chất" theo thời gian sẽ mất dần đi vẻ đẹp ban đầu. Ví dụ, dùng tiền vào chuyến du lịch gia đình hay đi tới Châu Âu thay vì mua TV lớn hơn.

8.Đừng để ý những người xung quanh nhìn bạn như thế nào

Những thất bại, sai lầm ghê gớm đến đâu rồi cũng sẽ là chuyện quá khứ. Nếu mọi người đang đánh giá bạn (đó là điều bạn nghĩ nhé, làm sao mình biết được họ có đánh giá hay không), rồi họ cũng sẽ không còn thời gian và tâm sức nghĩ đến bạn, vì chính họ còn đang bận lo cho sai lầm của chính mình.

Ai cũng có sai lầm lúc này hay lúc khác. Điều quan trọng nữa là, người khác làm sao biết được bạn đã cố gắng bao nhiêu, bạn đã làm gì để có được bạn ngày hôm nay? Làm "cái máy" chỉ trích người khác thật quá dễ dàng. Bạn thật sự không cần để ý đến họ đâu.

9. Tha thứ cho bản thân

Bất bình và phẫn nộ với chính mình vì mắc sai lầm trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, thậm chí còn tác động tới sức khỏe và gây ra bệnh tim. Hãy tha thứ cho bản thân vì những điều đúng đắn. Con người ai cũng có lỗi lầm và cần được tha thứ, nhưng bạn không cần phải tha thứ vì đã là chính mình.

10. Xin tha thứ

Nếu bạn từng làm tổn thương người bạn quan tâm và khó có thể vượt qua cảm giác tội lỗi đó, hãy cố hết sức để sửa sai với người đó. Bạn có thể làm như sau:

- Thể hiện rằng bạn cảm thấy tồi tệ về hành động của bản thân. Bước đầu tiên là thể hiện sự đồng cảm của bạn với người đó.

- Chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân. Đừng đổ lỗi người khác, hãy nhận trách nhiệm về hành vi của mình.

- Thể hiện bạn sẵn sàng sửa sai. Hứa sẽ cố gắng thay đổi trong tương lai và từng bước thực hiện điều đó.

- Ngay cả khi người đó không dễ dàng chấp nhận thì bạn cũng đã nỗ lực và có thể tự hào về điều đó.

Theo LeOna/Thể thao văn hóa

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/khoe-a-z/ban-chi-song-mot-lan-vi-vay-hay-lam-nhung-dieu-nay-de-khoi-hoi-tiec-795428.html