Ban Chỉ đạo T.Ư kiểm tra thực hiện KL 61 của Ban Bí thư tại Bình Dương

Ngày 11.10, tại buổi làm việc kiểm tra kết quả thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Đoàn Kiểm tra của Ban chỉ đạo Đề án 61 Trung ương với tỉnh Bình Dương cho thấy có 2 vấn đề 'nóng' là dạy nghề cho nông dân và hỗ trợ vốn nông dân.

Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020".

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn, Phó Chủ tịch Ban Chấp hànhTrung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm và lãnh đạo các ban ngành liên quan.

Đoàn Kiểm tra của Ban chỉ đạo Đề án 61 Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương

Thừa chỉ tiêu, thiếu chất lượng

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lộc-Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy báo cáo, 9 tháng đầu năm Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 17 lớp dạy nghề, như: trồng nấm, chăm sóc rau mầm, chăn nuôi thú y, sinh vật cảnh… Có 492 hội viên nông dân và con em hội viên nông dân tham gia học nghề và được cấp giấy chứng nhận. Phối hợp dạy nghề theo QĐ 1956 được 41 lớp có 1.160 hội viên nông dân và con em hội viên nông dân tham gia học.

Tuy nhiên, sau khi được ông Trần Văn Nam đề nghị đánh giá kết quả dạy nghề cho nông dân thời gian qua, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho rằng, công tác dạy nghề của Hội chỉ giải quyết được việc làm ngắn hạn cho người lớn tuổi, còn với người trẻ tuổi thì chưa đáp ứng được.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Tuyết Nhung giải thích về hình tình dạy nghề cho nông dân trong tỉnh

Trước đó, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý đi kiểm tra kết quả thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ tại huyện Bàu Bàng, cũng thấy rằng kết quả dạy nghề cho nông dân ở đây cũng gặp bất cập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng Võ Thành Giàu than thở: “Địa phương có mấy nghề, như: sửa xe máy, cạo mũ cao su, trồng nấm… cứ dạy năm này qua năm nọ. Có khi đào tạo nghề công nghiệp nhưng không đạt, nên khi đi làm, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Mình đào tạo chạy theo chỉ tiêu nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường”.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Dương, sau năm 2019 sẽ giải thể trung tâm dạy nghề hiện nay của Hội Nông dân tỉnh. Thậm chí, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân trên địa bàn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt với tổng mức đầu tư 51 tỷ đồng đã xây dựng và đang tạm ngưng cũng sẽ không triển khai nữa.

“Tôi thấy trong bối cảnh hiện nay ở địa phương, Hội tổ chức dạy nghề cho nông dân là không hiệu quả, chưa nói dính biên chế, kinh phí… Tỉnh hiện có 56 cơ sở dạy nghề nên đủ cơ sở mà không cần xây dựng thêm trung tâm dạy nghề mới”, ông Trần Văn Nam kết luận.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai kết luận tại buổi làm việc.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng cho rằng, Hội không nên cố "ôm" trung tâm dạy nghề với tính chất hành chính. Làm vậy chỉ lãng phí tiền nhà nước.

Tìm điểm khác biệt cho đồng vốn

Theo báo của Tỉnh ủy Bình Dương, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh được thành lập năm 1997. Từ khi thành lập đến nay, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân” giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020. Hiện, tổng số vốn từ ngân sách ủy thác được UBND tỉnh phê duyệt, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn là 127 tỷ đồng. Với số vốn này, quy mô vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Bình Dương chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM.

Báo cáo cũng cho thấy, với số vốn này Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ cho 4.231 hộ vay, đầu tư 299 dự án và thành lập 299 Tổ hợp tác liên kết sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho rằng, vốn Hội vẫn còn quá ít so với nhu cầu nông dân. Đây chỉ là “vốn mồi” để giúp Hội tập hợp nông dân.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý phát biểu ý kiến trong buổi làm việc.

Theo ông Đỗ Ngọc Huy-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, lực lượng nông dân trên địa bàn đang có chiều hướng thay đổi lớn. Khá nhiều nông dân hiện nay là doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao chứ không thuần túy là nông dân truyền thống. Chính điều này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu, Hội Nông dân tỉnh phải phân loại, xác định lại đối tượng nông dân cho chính xác để bố trí vốn.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, Hội vẫn phải xác định các hộ nông dân nghèo, cận nghèo là đối tượng để cung vốn. Hội vẫn là cầu nối để thể hiện vai trò với hội viên và nâng cao vị thế của mình.

Theo bà Trương Thị Mai, hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân cần có cách nhìn, cách làm mới. Với đồng vốn ít ỏi, cán bộ Hội phải tìm ra được điểm gì khác biệt của Quỹ với dịch vụ của các ngân hàng khác để khi thực hiện sẽ có hiệu quả hơn.

“Hội tiếp tục đổi mới hoạt động cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Thậm chí, cho nông dân vay để đầu tư cây trồng mới, kỹ thuật mới dù có rủi ro, khó khăn”, bà Trương Thị Mai gợi ý.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý nói chuyện với ông Lê Hoàng Châu (Bàu Bàng)-nông dân trồng măng cụt xuất lhẩu châu Âu

Về tăng vốn ủy thác, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam khẳng định, Bình Dương không thiếu tiền. “Hội Nông dân tỉnh cứ đề xuất mức vốn nếu thấy đủ khả năng quản lý được”, ông Trần Văn Nam khuyến khích.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý cũng đề nghị, tỉnh Bình Dương cần tăng cường nguồn vốn ủy thác để hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân mở rộng hơn, hiệu quả hơn.

Trần Đáng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/ban-chi-dao-tu-kiem-tra-thuc-hien-kl-61-cua-ban-bi-thu-tai-binh-duong-920611.html