Bản chất việc Mỹ nới lỏng trừng phạt Nord Stream 2

Nga có vẻ không kỳ vọng vào gỡ bỏ cấm vận của Mỹ, bởi quan điểm của Mỹ về Dòng chảy phương Bắc 2 cho đây là dự án mang tầm chiến lược của Nga, làm suy yếu an ninh châu Âu và an ninh năng lượng châu Âu. Mỹ đã tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và tàu của Nga có liên quan đến dự án Nord Stream 2. Điều này được công bố trên website của Bộ Tài chính Mỹ vào ngày 21/5.

Thị trường năng lượng quốc tế tuần qua náo nhiệt bởi tuyên bố của Mỹ từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 - dự án đường ống gây tranh cãi và chia rẽ Châu Âu với Mỹ nhất từ trước đến nay. Tin tức xuất hiện trên tất cả các báo Reuters, BBC, Euronews, DW, France24, Finacial Times, ...

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 19/5 đã xác nhận rằng, Washington sẽ từ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nhà điều hành của Nord Stream 2 AG và giám đốc điều hành Matthias Warnig. Tuy nhiên, Ông Blinken nói thêm: “Sự phản đối của chúng tôi đối với đường ống Nord Stream 2 là không hề dao động mặc dù chúng tôi không phải lúc nào cũng đồng ý với các biện pháp trừng phạt, chúng tôi muốn liên minh của chúng tôi mạnh mẽ".

Trang tin 1prime mới đây đã có bài viết phân tích liên quan đến tình hình dự án Nord Stream 2 trước những động thái mới đây nhất từ phía chính quyền Mỹ. Các chuyên gia của 1prime cho biết, còn quá sớm để nói rằng Mỹ đang từ bỏ dần áp lực trừng phạt đối với dự án. Ngay cả khi đường ống được xây dựng xong và đi vào vận hành, các lệnh trừng phạt và hạn chế nguồn cung khí đốt của Nga tại thị trường châu Âu vẫn sẽ được duy trì. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đã ra tín hiệu cho thấy, nước này sẽ không phản đối hoàn thành dự án bằng mọi giá. Trang thông tin Axios (Mỹ) dẫn nguồn thạo tin cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nhà điều hành và lãnh đạo công ty điều hành Nord Stream 2 AG, có tính đến lợi ích quốc gia.

Theo trích dẫn của các phương tiện truyền thông phương Tây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trình báo cáo liên quan đến dự án Nord Stream 2 lên Quốc hội vào ngày 19/5 vừa qua. Bản báo cáo liệt kê danh sách các tổ chức liên quan đến việc xây dựng đường ống khí đốt này và đề xuất các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận, nhà điều hành Nord Stream 2 AG và lãnh đạo của công ty này Matthias Warnig có liên quan đến các hoạt động phải bị trừng phạt. Nhưng khi tính đến lợi ích quốc gia, chính giới Mỹ sẵn sàng xem xét không áp dụng lệnh trừng phạt với thực thể và cá nhân này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chia sẻ với người đồng cấp Đức Heiko Maas rằng, Mỹ phản đối dự án Nord Stream 2 và chỉ ra sự cần thiết của sự tương tác xuyên Đại Tây Dương để đối đầu với Nga. Phía Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác chống lại những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại an ninh tập thể của các nước phương Tây.

Sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt

Giới chuyên gia phân tích rằng, các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung khí đốt Nga tại thị trường châu Âu sẽ được duy trì và thậm chí có khả năng mở rộng. Cho đến nay, thị trường mới chú ý đến việc nhà điều hành Nord Stream 2 sẽ không bị trừng phạt trong tương lai gần. Tuy nhiên, nhiều tài sản của Nga, bao gồm các tàu có thể bị áp dụng các lệnh trừng phạt. Hơn nữa, ngay cả khi dự án được xây dựng xong và đi vào vận hành, thị trường vẫn cần chờ đợi các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế mới, nhiều khả năng sẽ làm phức tạp thêm tình hình như không cho phép đường ống hoạt động hết công suất hay gắn chặt sản lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống phụ thuộc vào sản lượng khí đốt trung chuyển qua lãnh thổ Ucraina.

Còn quá sớm để nói rằng, Mỹ đang hoàn toàn từ bỏ áp lực trừng phạt đối với dự án. Rủi ro trừng phạt có thể sẽ song hành với Nord Stream 2 cho đến khi dòng khí đốt đầu tiên chảy qua đường ống. Việc từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nhà điều hành dự án có thể là một động thái mang tính chính trị với dự đoán về một cuộc gặp có thể xảy ra giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Nga và Mỹ. Ngoài ra, điều này có thể liên quan đến quan hệ Mỹ - Đức, trong đó phía Mỹ không muốn làm trầm trọng thêm quan hệ với đồng minh lớn nhất tại EU và là nước ủng hộ tích cực dự án này.

Đang có những cách hiểu khác nhau tại Mỹ liên quan đến dự án Nord Stream 2 và có thể xảy ra những vấn đề với Đức. Đối với Đức, dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vòng 15 năm tới khi quốc gia này từ bỏ hoàn toàn năng lượng than. Để đảm bảo nguồn cung cấp điện năng tin cậy, cần chuyển sang các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn, trong đó có khí đốt thiên nhiên. Áp lực liên tục của Mỹ đối với đồng minh này đã nhiều lần dẫn đến căng thẳng ngoại giao và bất đồng kinh tế. Có lẽ vào thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ hiểu rõ sự bất khả thi trong việc dừng hoàn toàn một dự án đã đạt tiến độ đến 95%.

Áp lực từ phía Mỹ

Giới chuyên gia cho rằng, áp lực đối với dự án có thể được chuyển hóa thành các biện pháp hạn chế nguồn cung khí đốt từ Nga. Có nguy cơ Gazprom sẽ không được phép sử dụng hết 100% công suất vận chuyển của đường ống Nord Stream 2 trong tương lai. Ngoài ra, phía Mỹ có thể yêu cầu Đức mở rộng cơ sở hạ tầng tiếp nhận LNG của Mỹ, cũng như buộc nước này không mở rộng hợp tác năng lượng với Nga.

Tuy nhiên, những áp lực như vậy ở thời điểm hiện tại là khá yếu. Sau mùa đông lạnh khắc nghiệt, dự trữ khí đốt tại các cơ sở lưu trữ ngầm ở châu Âu đã giảm mạnh và nhiên liệu LNG không thể trở thành một giải pháp thay thế đảm bảo nguồn cung cấp tin cậy cho các nước EU. Tính đến giữa tháng 3, tỷ lệ dự trữ khí trong các kho ngầm ở Đức đã giảm xuống dưới mức 30%. Gazprom gần đây cho biết, nếu việc bổ sung nguồn khí đốt cho các kho ngầm tại EU bị chậm so với kế hoạch vào giữa tháng 5, EU có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vào mùa thu hoặc trong thời gian cao điểm của mùa hè năm nay. Chính vì vậy, nhiều khả năng dự án Nord Stream 2 sẽ được hoàn thành, song hoạt động của đường ống sẽ bị hạn chế.

Cái giá của mối quan hệ thân thiện

Nhà chính trị học Dmitry Galkin của Nga cho rằng, đường lối của chính quyền Mỹ đối với dự án Nord Stream 2 chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề chính trị, trong đó chủ yếu là khôi phục quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mà phần lớn đã bị chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống D.Trump “phá hủy”. Do đó, chính quyền mới đang tìm cách tạo dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ với Đức - nền kinh tế lớn nhất EU và là đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Âu. Nếu Đức không quay trở lại kênh chính sách đối ngoại của Mỹ, nước này có thể không thực hiện một chính sách chung của phương Tây đối với Trung Quốc. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ chiến lược địa chính trị của Mỹ và làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Mỹ trong đối đầu với Trung Quốc.

Vì lợi ích của việc khôi phục lại liên minh chính sách đối ngoại với Đức, chính quyền Mỹ nhiều khả năng sẵn sàng hy sinh lợi ích của Ba Lan và cho phép hoàn thành dự án Nord Stream 2, vốn có tầm quan trọng lớn trên quan điểm lợi ích kinh tế của Đức. Do đó, động thái nới lỏng trừng phạt đối với nhà điều hành Nord Stream 2 AG có thể được hiểu là cử chỉ thân thiện của Mỹ đối với Đức khi chính quyền Mỹ đã được đảm bảo rằng, chính giới Đức ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ không thể hiện sự nhượng bộ có lợi cho Nga, đặc biệt là khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống V.Putin và Tổng thống Biden đang được thảo luận.

Trong tình huống này, bất kỳ sự nhượng bộ nào của Mỹ có lợi cho Nga có thể hiểu là những dấu hiệu thay đổi đường lối đối ngoại của nước này theo hướng xích gần hơn về phía Nga. Vì vậy mà phía Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm Nga là quốc gia “độc hại”, nguy hiểm mà Mỹ cần đối phó, đồng thời duy trì khả năng cao áp dụng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các dự án kinh tế quốc tế có sự tham gia của Nga.

Do đó, chính quyền Mỹ một mặt từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nhà điều hành Nord Stream 2 AG để không tạo trở ngại cho quá trình hoàn thành dự án, mặt khác nước này sẽ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ban-chat-viec-my-noi-long-trung-phat-nord-stream-2-611841.html