Bản chất ĐH và trường ĐH…

Liên quan đến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ khai giảng năm học mới của trường ĐH Y dược TP HCM rằng, cần đổi tên trường thành ĐH Sức khỏe để không tụt hậu so với Lào, Campuchia, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định phát biểu như vậy là 'hoàn toàn chính xác'.

Sáng 20-9, trao đổi với báo chí ý kiến của mình về đề nghị đổi tên trường ĐH Y Dược TP HCM thành ĐH Sức khỏe, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tôi phát biểu như thế là hoàn toàn chính xác. Còn những người hiểu sai là chưa hiểu hết bản chất của ĐH và trường ĐH.

Hiện nay cả nước có hai ĐH lớn nhất là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM. Trong ngành Y tế, thực hiện chủ trương của ngành, cụ thể hóa Nghị quyết 20-21, các khối trường sức khỏe phải có đề án (hiện đã có đề án nhưng chưa phê duyệt) phải thành lập ĐH Sức khỏe (health university).

“Trong ĐH Sức khỏe có các trường y, trường dược, trường nha, trường y tế công cộng, trường điều dưỡng, trường kỹ thuật y khoa. Nghĩa là dưới ĐH Sức Khỏe có những trường ấy”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

 Tại lễ khai giảng năm học 2019-2020 tại trường ĐH Y dược TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị trường đẩy nhanh việc đổi tên thành ĐH Sức khỏe. Ảnh tư liệu

Tại lễ khai giảng năm học 2019-2020 tại trường ĐH Y dược TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị trường đẩy nhanh việc đổi tên thành ĐH Sức khỏe. Ảnh tư liệu

Trước câu hỏi có nên giữ tên ĐH Y dược TP HCM và dưới là các trường con? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Bản chất là ĐH Sức khỏe, còn y dược chỉ là hai chuyên ngành, không có phục hồi chức năng, y học cổ truyền có thể có nhưng điều dưỡng, nha không có… nếu chỉ gọi là y dược là thiếu. Nếu chỉ giữ tên đó thì không bao quát được và chưa chắc người ta chấp nhận tên đó một khi đề án được thành lập. Vì ĐH khác trường ĐH. ĐH như là tỉnh còn trường ĐH như là huyện”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, quá trình phê duyệt đề án có nhiều bước, cần có cơ sở hạ tầng, bộ máy tổ chức, nhân lực. Trường ĐH Y dược TP HCM sẽ là đi đầu trong cả nước trong ngành y. Hiện đang chờ tiến độ thẩm định. Theo kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT đã nhắc, không được để tên ĐH Y dược TP HCM mà phải đổi tên thành trường ĐH Y dược TP HCM.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế, trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa 12, liên quan đến công tác đào tạo nhân lực y tế, Bộ Y tế đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ hai đề án rất quan trọng là: Đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành ĐH Khoa học sức khỏe.

Khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: Khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh, ...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng... Mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các ĐH Quốc gia (Hà Nội, TP HCM), ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.

Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như ĐH Khoa học sức khỏe Lào, ĐH California San Francisco (University of California, Sanfrancisco)...

Cách đây gần 20 năm chủ trương thành lập ĐH Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP HCM. Về bản chất, đây là mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là trường ĐH Y, trường ĐH Dược, trường ĐH Điều dưỡng, trường ĐH Y tế công cộng...

Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ban-chat-dh-va-truong-dh-163290.html