Bản chất của cái ác trong 'Tình cuồng'

Nhà văn Raymond Radiguet đã trút đến kiệt cùng ngòi bút, như thể đã dốc cả tương lai, dốc cả quãng đời còn lại mà ông đã không có cơ hội sống để viết nên Tình cuồng

"Tôi sắp phải chuốc lấy bao điều chê trách. Nhưng tôi biết làm sao được kia chứ? Tôi có lỗi gì khi tôi mới được mười hai tuổi trước ngày tuyên chiến mấy tháng?".

Đó là cách Raymond Radiguet mở đầu cuốn tiểu thuyết "Tình cuồng" (Huỳnh Phan Anh và Nguyễn Nhật Duật dịch; NXB Hồng Đức ấn hành) của mình. "Ngày tuyên chiến" ở đây ám chỉ Thế chiến thứ nhất năm 1914, khi đó Radiguet cũng có cùng độ tuổi với nhân vật chính trong tiểu thuyết, anh sinh năm 1903, Radiguet cũng sẽ không biết một chút gì về Thế chiến thứ hai, bởi anh qua đời vì bệnh tật năm 1923, khi đó anh vừa tròn 20 tuổi, chỉ kịp để lại "Tình cuồng" như một lời tự bạch của anh cho nhân gian này.

Từng có người viết rằng "Tình cuồng" là "một chuyện tình trong sáng và táo bạo", một chuyện tình thì đúng rồi, táo bạo thì nó còn hơn cả táo bạo nhưng "trong sáng" nhất quyết là không. Trong sáng sao được khi nó là lời tự thú về một vụ ngoại tình của hai người trẻ chưa đến tuổi hai mươi, trong khi chồng của cô gái đang ở ngoài mặt trận. Câu chuyện tình bí mật ngập trong tội lỗi và cuối cùng là một kết cục bi thảm.

"Tình cuồng" như tên gọi của nó chính là câu chuyện của hai con người phát điên phát cuồng vì tình yêu, một tình yêu mới chớm mà như đã đến độ mãn khai, kiệt cùng và tận hiến cho một lần sau rốt. Điều làm cho cuốn sách vỏn vẹn 200 trang này trở nên lôi cuốn và đầy quyến rũ đến thế là chính bởi cái tàn bạo trong truyện được đẩy đến những chỗ khó ngờ nhất, đặc biệt là sự bạo tàn ấy được gây ra bởi một chàng thiếu niên và được một chàng thiếu niên khác miêu tả (nam chính trong tiểu thuyết và Radiguet có độ tuổi tương đương nhau nhưng dù sao ta cũng không nên đồng nhất tác giả với nhân vật chính). Chàng tàn bạo một cách ngây thơ và chính vì càng ngây thơ mà càng tàn bạo, bởi không ý thức được sự tàn bạo của mình, chàng đã đẩy người thiếu phụ ngoại tình đến chỗ tự hủy về mặt tinh thần, đã đẩy những người xung quanh vào tình thế lưỡng nan, mà khi ấy chàng còn chưa học xong trung học.

Bìa cuốn sách “Tình cuồng”

Bìa cuốn sách “Tình cuồng”

Radiguet khiến ta suy nghĩ lại về bản chất của cái ác, phải chăng câu "nhân chi sơ tính bản thiện" không đúng với tất cả mọi trường hợp. Cái ác trong cậu từ đâu mà có, đã khởi lên ra sao mà có thể đốt cháy biết bao tâm hồn như vậy. Làm sao một tác giả mới mười mấy tuổi đầu khi viết lấy đâu ra đủ vốn sống để diễn tả một cõi nhân gian điêu đứng vì chữ tình, sa lầy trượt dài trong những dục vọng ích kỷ cá nhân để tiến đến chỗ tự hủy, rồi thoát ra, rũ sạch như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hay là mỗi con người đều đang nuôi trong mình một con quỷ, như chính tên nguyên tác tiếng Pháp của "Tình cuồng": "Le Diable au corps" có nghĩa là quỷ trong thân. Chính con quỷ ấy điều khiển tất cả, mỗi ngày mỗi giờ ta phải hiến tế một điều thiện lương để cho con quỷ ấy được yên giấc ngủ, nghịch bằng để nó thức giấc, để nó tự tung tự tác trong tâm trí thì những điều ác có thể xảy ra, ẩn dưới cái lốt của một đứa trẻ hay một ông già trăm tuổi.

Văn học thế giới không thiếu vắng những tác phẩm viết về những cuộc ngoại tình nhưng có lẽ sẽ không có cuộc ngoại tình nào mà hai đương sự lại trẻ tuổi đến thế. Vượt lên trên những chuẩn mực đạo đức của thời đại, "Tình cuồng" là thiên nhật ký của chàng Don Juan mới thế kỷ XX, hút hết những giờ mật ngọt ái ân trong cuộc tình vụng trộm sai trái chỉ có thể biện minh bằng lý lẽ của con tim của chàng chứa đựng những phần tăm tối từ cái ác cổ sơ đầy hiểm họa.

Nhà văn đã trút đến kiệt cùng ngòi bút, như thể đã dốc cả tương lai, dốc cả quãng đời còn lại mà ông đã không có cơ hội sống, Raymond Radiguet tài hoa bạc mệnh giã từ cuộc sống trong sự tiếc nuối của người đọc, nhất là những bậc đàn anh đã nâng đỡ ông rất nhiều trên văn đàn. Khi Raymond Radiguet mới xuất hiện, ông được ví như Arthur Rimbaud của thế kỷ XX. Ông đã kịp chứng kiến sự tàn bạo của con người núp dưới bộ mặt chiến tranh thế giới, đã thấy con quỷ trong mỗi con người trỗi dậy, tác oai tác quái gây ra những thảm trạng trên thế giới này.

Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/ban-chat-cua-cai-ac-trong-tinh-cuong-20181222221504251.htm