Bán cái gì?

Lâu nay, nhiều chuyên gia, nhà quản lý khuyến cáo nhà vườn, nhà nông: Để nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập thì phải bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có.

Không thể để nông sản cứ đến mùa lại phải "giải cứu". Ảnh minh họa

Cùng với đó, trên nhiều diễn đàn và nhiều cơ quan thông tin đại chúng, nhiều nhà báo cũng vào cuộc phân tích mổ xẻ khuyến cáo của các chuyên gia và đều cho rằng: Để giá nông sản không sụt giảm do phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường thì “không để trứng vào một giỏ” vì lắc nhẹ đã có thể “vỡ hết”, do đó phải đa dạng hóa thị trường; phải có nhạc trưởng dẫn dắt từ quy hoạch, tổ chức sản xuất - chế biến -tiêu thụ theo chuỗi giá trị với sự tham gia của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt và Nhà nước cầm trịch chuỗi liên kết, đồng thời phải có sự tham gia của nhà khoa học, ngân hàng; vai trò của hợp tác xã phải được đề cao, sản phẩm phải được chế biến sâu, công tác xúc tiến thương mại cần được làm mạnh mẽ hơn, bài bản hơn; phải chuyển từ tư duy làm nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp,…

Theo không ít chuyên gia và những nhà nông, nhà vườn sản xuất quy mô lớn, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, được suy tôn “nhà vườn tỷ phú”, “nhà nông tỷ phú” cùng CEO của nhiều “ông lớn” – những “con sếu” đầu đàn đầu tư vào nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng thì khuyến cáo trên chưa đầy đủ.

Theo họ, chưa đầy đủ vì, do điều kiện tự nhiên đặc thù (thổ nhưỡng, khí hậu) nên nhiều cây trồng, vật nuôi trở thành đặc sản của địa phương. Trên thực tế, nhiều sản vật địa phương của ta được không ít thị trường khó tính chấp nhận, người tiêu dùng đánh giá cao bởi sự thơm ngon, và bán được giá cao. Bán cái đó chính là ta bán cái ta có.

Theo họ, bán cái ta có là đương nhiên, nhất định phải tổ chức để bán rộng hơn, nhiều hơn. Nghĩa là, công tác xúc tiến thương mại phải được làm tốt hơn nữa, bởi bán được sản vật mang đặc sắc hương vị Việt chính là một cách nâng tầm thương hiệu quốc gia.

Tuy nhiên, cũng theo họ - những nhà nông, nhà vườn tỷ phú hay những “con sếu” đầu đàn thì cái ta có cần phải được nâng tầm để thỏa mãn cái người tiêu dùng, thị trường cần. Có nghĩa là, bán cái thị trường cần. Theo đó, trước tiên, là sản xuất theo quy trình an toàn theo nghĩa an toàn cả cho người sản xuất, người sử dụng và an toàn cho môi trường, tức là việc sản xuất an toàn phải được truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Việc này cần sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và sự liên kết, hợp tác giữa nhà nông, nhà vườn với nhau và giữa nhà nông, nhà vườn với doanh nghiệp.

Thứ hai là, tùy mỗi thị trường mà sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu riêng về mẫu mã, bao bì, mặt hàng, văn hóa, quy trình sản xuất, mức độ kiểm soát an toàn. Việc này cần sự liên kết chặt chẽ của nhà nông, nhà vườn trong hợp tác xã, tổ liên kết và với doanh nghiệp chế biến, xuất - nhập khẩu.

Thứ ba là, tạo điều kiện để công nghiệp chế biến phát triển. Điều này sẽ cơ bản loại bỏ được căn bệnh “được mùa rớt giá” hay căn bệnh “giải cứu”. Nhưng cần một tư duy mới trong chế biến nông sản để có thật nhiều mặt hàng từ một loại nông sản nào đó.

Thứ tư là, các cơ quan chuyên môn cần thông báo kịp thời cho địa phương, các đơn vị sản xuất và chế biến những yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường.

Thứ năm là, gấp rút hoàn thiện thể chế trên cơ sở đồng bộ, thống nhất và phù hợp thông lệ quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, cần quảng bá mạnh mẽ sản vật của người Việt ra khỏi biên giới, làm cho sản vật Việt không chỉ của người Việt mà còn là của thế giới. Dư địa cho xuất khẩu nông sản nói chung là rất lớn. Không có gì là không thể nếu chúng ta quyết tâm trên cơ sở hiểu rõ thị trường, vì thị trường là khâu quyết định sự thành bại.

Hiền Anh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ban-cai-gi-post33676.html