Bàn cách khôi phục thị trường EU cho sản phẩm thủy sản

Từ vị trí là một trong ba thị trường lớn, nay EU không còn nằm trong tốp 4 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nữa. Làm sao để khôi phục thị trường này là câu hỏi đã được đặt ra cho các doanh nghiệp.

Cá vừa mới được đánh bắt về tại một cảng cá. Ảnh: NH

Trong những năm qua, EU là một trong ba thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu mỗi năm đều trên 1 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016 đến nay, số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, EU không nằm trong tốp 4 thị trường lớn nhất nữa, thay thế cho EU là Trung Quốc, tiếp đến Hàn Quốc với vị trí thứ 4.

Đây là một trong những lý do để Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) kết hợp với Viện kinh tế và quy hoạch thủy sản tổ chức tổ chức hội thảo "Yêu cầu về chứng nhận đối với thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu" vào ngày 7-10 tại TPHCM. Mục đích là để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có một cái nhìn tổng quát về những vấn đề liên quan đến xuất khẩu thủy sản vào EU.

Theo ông Siegfried Bank, chuyên gia quốc tế của EU-MUTRAP, hiện thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau và mỗi thị trường có những yêu cầu về an toàn thực phẩm khác nhau. Cụ thể, nếu xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, mọi tiêu chí an toàn thực phẩm khá dễ dàng, đặc biệt là xuất khẩu qua biên mậu, doanh nghiệp không cần lo lắng vấn đề bị kiểm tra về chất lượng, các thủ tục đàm phán…

Đổi lại, giá bán sang thị trường Trung Quốc chỉ bằng khoảng 30% so với thị trường EU. Để bán được giá cao tại thị trường EU, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục về đàm phán, mở L/C, kiểm tra chất lượng sản phẩm, dư lượng hóa chất kháng sinh…

Theo chuyên gia của EU-MUTRAP, lựa chọn thị trường nào là quyết định của doanh nghiệp, nhưng xét về lâu dài, rõ ràng việc lựa chọn thị trường mang lại giá trị gia tăng cao luôn là động lực của doanh nghiệp.

Dù đang gặp khó khăn tại thị trường EU nhưng thông tin tích cực được ông Siegfried Bank đưa ra là trong thời gian qua, thủy sản của Việt Nam đã chứng minh có những dòng sản phẩm đạt hàm lượng giá trị gia tăng cao xuất khẩu vào thị trường cao cấp, đi liền với đó là giá bán cũng cao hơn.

Theo vị chuyên gia này, đây là lợi thế để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, tránh chạy theo các thị trường nhập khẩu sản phẩm mang lại giá trị thấp.

Theo bà Cao Lệ Quyên, Phó viện trưởng Viện kinh tế và quy hoạch thủy sản, thị trường EU có những yêu cầu đặc thù, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về các chứng nhận và chính sách của EU đối với xuất nhập khẩu thủy sản.

Bà Quyên cho biết, EU là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng trong những năm tới.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152415/ban-cach-khoi-phuc-thi-truong-eu-cho-san-pham-thuy-san.html/