Bán BlackBerry siêu bảo mật cho tội phạm, 'ông trùm' lĩnh án tù 9 năm

Công ty Phantom Secure đã bán hàng nghìn chiếc điện thoại BlackBerry mã hóa cho các băng đảng ma túy nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Hôm 28/5, Vincent Ramos, 41 tuổi, đến từ thành phố Richmond, Canada bị tòa án San Diego, Mỹ kết án 9 năm tù và thu giữ 80 triệu USD vì bán smartphone BlackBerry mã hóa cho giới tội phạm trên toàn thế giới.

Năm ngoái, tên này đã nhận tội về những hành vi phi pháp của mình. Khách hàng của hắn gồm các băng đảng buôn ma túy và tội phạm giết người khét tiếng.

Vincent Ramos điều hành công ty Phantom Secure chuyên cung cấp điện thoại mã hóa. Ảnh: May Tse.

Vincent Ramos điều hành công ty Phantom Secure chuyên cung cấp điện thoại mã hóa. Ảnh: May Tse.

Cơ quan chức năng còn phong tỏa mọi tài sản của Ramos trị giá lên đến 80 triệu USD, gồm nhà cửa, tài khoản ngân hàng quốc tế, tiền điện tử và vàng. Tên này là CEO của công ty Phantom Secure, chuyên cung cấp smartphone không thể bị bẻ khóa, sử dụng mạng lưới bảo mật đặt tại Panama và Hong Kong, cho phép gửi tin nhắn bảo mật qua mặt cảnh sát các nước.

Công ty còn có thể vô hiệu hóa điện thoại từ xa nếu bị thu giữ. Các công tố viên cho biết khách hàng của Phantom Secure có cả băng đảng ma túy khét tiếng Sinaloa tại Mexico và tổ chức đánh bạc, buôn ma túy toàn cầu do cựu ngôi sao bóng bầu dục Owen Hanson của CLB Đại học Nam California (Mỹ) điều hành. Hanson đang thụ án tù 21 năm vì những sai phạm của mình.

Một khách hàng khác của Phantom Secure là băng đảng Hells Angels tại Australia. Chúng sử dụng điện thoại mã hóa để liên lạc trong các vụ giết người, gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng cho dân chúng quanh vùng.

Ramos thú nhận từng rất tự hào khi xem một bản tin năm 2014 nói rằng cơ quan chức năng đã gặp khó trong cuộc điều tra một vụ giết người nghiêm trọng. Lý do là bọn tội phạm sử dụng điện thoại mã hóa của Phantom Secure.

Ít nhất, 7.000 chiếc điện thoại mã hóa đã được bán ra. Công tố viên liên bang Andrew Young cho rằng phạm vi của vụ việc thật ngoài sức tưởng tượng. Theo ông, khách hàng của Ramos là “những nhóm tội phạm phức tạp nhất thế giới sử dụng các công nghệ tinh vi nhất”.

Hells Angels, băng đảng khét tiếng của Australia từng là khách hàng của Phantom Secure. Ảnh: AFP.

Đây là lần đầu tiên Mỹ xét xử một công ty cung cấp công nghệ mã hóa cho giới tội phạm. Tuy nhiên, 4 đồng phạm của Ramos vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

“Tôi xin lỗi và nhận mọi trách nhiệm về những hành động khiến bản thân phải đứng đây hôm nay”, Ramos nói với thẩm phán William Hayes. Hắn ta thú nhận đã “lờ đi” mục đích sử dụng của những chiếc điện thoại mình tạo ra. Các công tố viên cho biết Ramos đã thiết lập hệ thống có chủ ý nhằm ngăn chặn cơ quan thực thi pháp luật điều tra ra tội phạm.

Những khách hàng “ẩn danh” khác của Phantom Secure có thể kể đến Leadslinger, The.cartel, The.killa, Elchapo66 và Knee_capper9. Tin nhắn năm 2018 tố cáo Ramos đã nhờ cấp dưới tậu cho hắn một chiếc Range Rover vì trúng phi vụ làm ăn lớn: “Tuần này, tao vừa trúng được nhiều phi vụ làm ăn. Sinaloa Cartel đấy, quá tuyệt vời”.

Ramos bị bắt vào năm ngoái tại Washington khiến hệ thống mạng lưới của “tên trùm” này bị xóa sổ. Được biết, khoảng 250 đơn vị của Hoa Kỳ, Canada và Australia tham gia phối hợp điều tra vụ việc.

Lê Min Kốp
Theo SCMP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ban-blackberry-sieu-bao-mat-cho-toi-pham-ong-trum-linh-an-tu-9-nam-post952109.html