Bàn biện pháp ổn định thị trường và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn

Chiều ngày 9/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp bàn về các biện pháp ổn định thị trường và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn.

Bàn biện pháp ổn định thị trường và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian gần đây giá thịt lợn tăng cao, doanh nghiệp và người chăn nuôi có lãi là điều đáng mừng. Nhưng điều lo ngại chính là nếu giá lợn vẫn ở mức cao và kéo dài thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ thịt lợn ngoại tràn vào, khi đó sẽ mất thị trường. Việc này sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, người chăn nuôi, và ngành nông nghiệp.

Để ổn định thị trường, các doanh nghiệp sản xuất con giống, doanh nghiệp sản xuất lợn thương phẩm cần hạ giá bán thấp hơn so với hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần giảm giá mặt hàng cám; các doanh nghiệp sản xuất phân phối thịt lợn cũng hạ giá thành... "Thời điểm này, giá thành sản xuất giữ ở mức 35 nghìn đồng/kg là tốt nhất, còn giá bán lợn công nghiệp là 45 nghìn đồng/kg là tốt nhất. Bên cạnh đó, làm sao để đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng và người sản xuất", Bộ trưởng Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý: "Các doanh nghiệp cần lấy đúng mức lãi, đừng "tham bát bỏ mâm" để rồi sau này mất thị trường, khi đó còn thiệt hại lớn hơn nhiều". Ngoài ra, các địa phương cần tập trung thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh tốt để chăn nuôi phát triển ổn định.

Tại buổi làm việc, hầu hết ý kiến đều đồng tình với nhận định là cần phải bình ổn giá cả và cung cầu trên thị trường. Cùng bình ổn thị trường trên cơ sở các bên cùng có lợi, chính là giúp mình, giúp bản thân doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, với mức giá 51 nghìn đến 52 nghìn/kg thịt lợn hiện nay là quá cao so với giá thành sản xuất.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chi phí 1kg thịt lợn hiện nay chỉ khoảng 35 nghìn đến 36 nghìn/kg, mức giá bán ra hiện nay là lãi rất cao.

Đồng tình với chủ trương bình ổn thị trường để phát triển bền vững, ông Kiều Minh Lực - Phó tổng giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi CP - chia sẻ: phải làm thế nào để giữ được giá thịt lợn hơi dưới 50 nghìn đồng/kg. Về phía doanh nghiệp luôn sẵn sàng hợp tác để duy trì ổn định giá cả về mặt thị trường. Đó cũng là mong muốn của doanh nghiệp, vì nếu ổn định được thì mới bền vững lâu dài.

Ông Đỗ Hoàng Long - Trưởng ngành lợn thương mại và phát triển dự án, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam - đề xuất: Doanh nghiệp mong muốn có giá ổn định và bền vững. Mong muốn Bộ NN&PTNT và Cục Chăn nuôi thường xuyên có thông tin mang tính kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau. Giải pháp bình ổn trước mắt là cần tăng sản lượng thịt (nguồn cung) để giảm áp lực giá. Về lâu dài cần quản lý tổng đàn đàn qua việc đăng ký đàn lợn để kiểm soát thị trường.

Liên quan đến vấn đề giá lợn tăng, đại diện Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) – nêu quan điểm: Người tiêu dùng là người quyết định cuối cùng về giá bán. Bộ NN&PTNT cần làm rõ các vấn đề liên quan đến nguồn cung của sản phẩm. Chúng ta không thiếu nguồn cung. Tại sao giá lên như vậy?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm: người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp và nhất là giữ được thị trường phát triển lâu dài và bền vững.

Trong báo cáo mới đây của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), giá lợn hơi tăng trong tháng 9/2018. Hiện, giá lợn hơi tại miền Bắc đang giao dịch trong mức 52.000 - 55.000 đ/kg, tăng 2.000 – 3.000 đ/kg so với tháng trước. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên đang giao dịch trong mức 47.000 - 55.000 đ/kg. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương ghi nhận mức tăng cao 4.000 đ/kg với giá lên đến 55.000 đ/kg. Tại miền Nam, đà tăng giá lợn hơi tiếp tục được duy trì. Nhìn chung toàn miền, giá lợn hơi dao động phổ biến ở 52.000 - 53.000 đ/kg, tăng 1.000 – 3.000 đ/kg so với tháng trước. Dự báo, giá lợn hơi sẽ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm do nhu cầu tăng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/ban-bien-phap-on-dinh-thi-truong-va-phat-trien-ben-vung-nganh-chan-nuoi-lon-110016.html