Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa xem xét đánh giá toàn diện các chứng cứ… Đó là ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Dương trong bản án sơ thẩm tranh chấp di sản thừa kế kéo dài hơn 17 năm.

Bà Hiền (con ông Thành) tiến hành xây dựng nhà ở trên phần đất đang bị tranh chấp. Ảnh: CT

12 năm mới đưa vụ việc ra xét xử

Theo hồ sơ vụ việc, vợ chồng ông Nguyễn Văn Biên (chết năm 1961) và bà Đặng Thị Giang (chết năm 1980) có 8 người con. Sau khi ông Biên và bà Giang chết đã không để lại di chúc. Tài sản để lại gồm các phần đất tọa lạc tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Các thửa đất gồm: thửa đất số 77 tờ bản đồ số 12 diện tích 110m2; thửa đất số 78 tờ bản đồ số 12 diện tích 100m2; thửa đất số 79, tờ bản đồ số 12 diện tích 1.279m2; thửa đất số 80, tờ bản đồ số 12 diện tích 1.347m2 (là phần đất nghĩa trang của gia tộc); thửa đất số 81 tờ bản đồ số 12 diện tích 192m2; thửa đất số 562 tờ bản đồ số 10 diện tích 1.452m2; thửa đất số 565 tờ bản đồ số 10 có diện tích 564m2 (đo đạc thực tế là 845,6m2); .

8 người con gồm: Nguyễn Thị Rành (chết năm 1992); Nguyễn Thị Rẽ (chết năm 1993); Nguyễn An Dẫu (chết lúc nhỏ); Nguyễn An Long; Nguyễn Thị Phụng (chết lúc nhỏ); Nguyễn An Thành; Nguyễn An Nhơn (hiện định cư tại Pháp - đã có đơn từ chối nhận kỷ phần thừa kế); Nguyễn An Bằng (chết năm 2008).

Sau khi ông Biên và bà Giang chết, các thành viên trong gia đình bắt đầu xảy ra tranh chấp tài sản là những thửa đất nêu trên.

Nguyên đơn gồm ông Nguyễn An Bằng, ông Nguyễn An Long, ông Lê Văn Tiến (con bà Lành); ông Bùi Tấn Đạt (con bà Rẻ). Bị đơn là ông Nguyễn An Thành.

Ngày 14/11/2000, các nguyên đơn nêu trên đã có đơn gửi cơ quan chức năng, khởi kiện ông Nguyễn An Thành trong việc tranh chấp di sản thừa kế. Nội dung khởi kiện là yêu cầu tòa phân chia di sản thừa kế của ông Biện, bà Giang theo pháp luật đối với các phần đất chia đều cho 5 kỷ phần thừa kế…

Ngày 16/7/2001, TAND tỉnh Bình Dương thụ lý vụ án. Thế nhưng, phải hơn 12 năm sau, ngày 16/10/2013, TAND tỉnh Bình Dương mới tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án.

Theo đó, tòa cấp sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Thành về việc để lại căn nhà diện tích 209,7m2 (thuộc thửa đất số 79 tờ bản đồ số 12) làm nhà thờ hương hỏa…

Ngay sau khi bản án được tuyên, ngày 29/10/2013, VKSND tỉnh Bình Dương đã có quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án nêu trên.

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Theo tài liệu chúng tôi thu thập, quá trình các thửa đất nêu trên được chính quyền công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) như sau: các thửa đất 79, 80, 562, 565 ông Thành đăng ký kê khai QSDĐ vào ngày 27/7/1995 tại xã Tân Đông Hiệp và được UBND huyện Thuận An (nay là UBND thị xã Dĩ An) cấp giấy chứng nhận QSDĐ (GCN QSDĐ) số 58/CQ-TĐH ngày 26/8/1996. Riêng thửa đất số 565, ông Thành lập hợp đồng tặng con là bà Nguyễn Thị Ngọc. Sau đó bà Ngọc được cấp GCN QSDĐ ngày 11/10/2011…

Đối với thửa đất số 77, ông Thành cho con là bà Nguyễn Thị Ngọc. Bà Ngọc được cấp GCN QSDĐ ngày 26/8/1996. Đối với thửa đất số 78, ông Thành cho con là Nguyễn An Thạch. Ông Thạch sau đó được cấp GCN QSDĐ ngày 26/8/1996.

Đối với thửa đất số 562 diện tích là 1.452m2, ông Thành đã lập hợp đồng cho con là bà Nguyễn Thị Hiền một phần vào ngày 30/9/2000. Tới ngày 19/4/2001, bà Hiền được UBND huyện Dĩ An cấp GCN QSDĐ thửa đất số 562a, có diện tích 403m2 được tách từ thửa đất 562…

Tại quyết định kháng nghị, VKSND tỉnh cho rằng ông Biện chết năm 1961, bà Giang chết năm 1980. Trong khi đó, Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ lại được ban hành ngày 10/11/1980. Do đó, bà Giang không thể tiến hành đăng ký kê khai các thửa đất mà các đương sự tranh chấp theo Chỉ thị 299. Các đương sự đều thừa nhận trên thửa đất số 79 có 1 căn nhà thờ do ông Biện và bà Giang để lại và xác định sau khi bà Giang chết thì ông Bằng sinh sống trên căn nhà đó, còn bà Thảo (con ông Thành) sinh sống căn nhà dưới của nhà thờ. Năm 1996 và năm 1999, bà Thảo và ông Bằng có sửa chữa lại căn nhà thờ để sinh sống, chứ không phải đập bỏ căn nhà thờ này và xây dựng lại nhà mới. Vì thế việc tòa cấp sơ thẩm nhận định trên thửa đất 79 không có di sản của ông Biên và bà Giang là không có cơ sở…

Một chi tiết đặc biệt quan trọng đã được VKSND tỉnh chỉ ra, đó là: bản án sở thẩm nhận định ông Thành cùng các con đã sử dụng đất và đăng ký kê khai các thửa đất tranh chấp cho đến khi được cấp GCN QSDĐ không có ai khiếu nại, cho đến năm 2000 phát sinh tranh chấp di sản thừa kế là chưa có cơ sở vững chắc.

VKSND tỉnh đã đưa ra lý lẽ như sau: “vì nguyên đơn ông Nguyễn An Long cho rằng tháng 7/1996, nguyên đơn đã có đơn gửi đến UBND xã Tân Đông Hiệp về việc phân chia di sản thừa kế do ông Biên, bà Giang để lại. Đến ngày 15/11/1996, UBND xã Tân Đông Hiệp có mời lên hòa giải nhưng không lập biên bản và hòa giải không thành (bút lục 11). Đến ngày 13/3/1997, UBND xã Tân Đông Hiệp tiến hành hòa giải nhưng không thành (bút lục 12). Sau đó sự việc kéo dài đến năm 2000 thì các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Nhưng tòa sơ thẩm không thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ các nguyên đơn có tranh chấp tại UBND xã Tân Đông Hiệp từ tháng 7/1996 hay không để có cơ sở vững chắc xác định quá trình ông Thành kê khai đăng ký các thửa đất tranh chấp là không bị khiếu nại, tranh chấp”.

Ngoài ra, VKSND tỉnh cũng đưa ra những lập luận có căn cứ để cho rằng bản án sơ thẩm đã căn cứ vào công văn trả lời của UBND thị xã Dĩ An để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho ông Thành là chưa có cơ sở vững chắc…

Từ những vấn đề trên, VKSND tỉnh Bình Dương nhận thấy tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, điều tra thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa xem xét đánh giá toàn diện các chứng cứ và áp dụng pháp luật chưa chính xác, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do đó, VKSND tỉnh đã quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương theo thủ tục phúc thẩm.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Chu Tuấn

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/ban-an-so-tham-vi-pham-nghiem-trong-thu-tuc-to-tung_t114c39n138095