Bản án sơ thẩm tuyên nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB xuất hiện điểm 'mới'?

Sau khi nhận Bản án sơ thẩm do TAND TP.HCM cung cấp, ông Huỳnh Nam Dũng cho biết, bản án ban hành xuất hiện chi tiết 'mới'.

Bản án sơ thẩm có yếu tố “lạ”?

Như chúng tôi đã thông tin, ông Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT MHB), Nguyễn Phước Hòa (nguyên TGĐ MHB), bà Lữ Thị Thanh Bình (nguyên TGĐ MHBS) là các bị cáo trong vụ án Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB - nay đã sáp nhập vào BIDV) làm thất thoát hơn 349 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ án, bà Lữ Thị Thanh Bình cùng các đồng phạm còn bị truy tố về hành vi phê duyệt, thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán trên 3 tài khoản tư doanh gây thiệt hại cho Nhà nước. Việc làm này của bà Bình và các bị cáo gây thiệt hại cho Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHBS) số tiền 65 tỉ đồng.

Sau nhiều lần được đưa ra xét xử và trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sáng 22/11, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Nam Dũng 13 năm tù. 15 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 11 năm tù giam cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Huỳnh Nam Dũng bị tuyên 13 năm tù giam.

Về phần dân sự, tại tòa, HĐXX tuyên buộc bị cáo Huỳnh Nam Dũng, Lữ Thị Thanh Bình, Nguyễn Phước Hòa chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 299 tỉ đồng cho BIDV. Các bị cáo Huỳnh Nam Dũng, Lữ Thanh Bình, Nguyễn Phước Hòa, Trương Thanh Liêm liên đới bồi thường hơn 50 tỉ cho BIDV. Ngoài ra, bị cáo Bình và các đồng phạm tại MHBS phải bồi thường số tiền hơn 65 tỉ đồng cho MHBS.

Tuy nhiên, sau khi nhận được bản án phát hành do tòa cung cấp, ông Dũng cho biết, bản án ông được nhận xuất hiện điểm “lạ” so với nội dung bản án khi tuyên tại tòa.

Cụ thể, tại trang 63 của Bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM cung cấp thể hiện nội dung, buộc các bị cáo Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hòa, Lữ Thị Thanh Bình và Công ty MHBS liên đới bồi thường cho BIDV số tiền hơn 298 tỉ đồng. Buộc các bị cáo Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hòa, Lữ Thị Thanh Bình, Trương Thanh Liêm và Công ty MHBS liên đới bồi thường cho BIDV số tiền hơn 50 tỉ đồng.

Buộc các bị cáo Lữ Thị Thanh Bình, Đặng Văn Hòa, Trương Thanh Liêm, Đoàn Việt Thắng, Võ Kim Phụng, Nguyễn Phương Duy liên đới bồi thường cho Công ty MHBS số tiền hơn 65 tỉ đồng.

Có thể thấy, bản án mà HĐXX tuyên tại phiên tòa sáng 22/11 không có nội dung buộc MHBS phải liên đới bồi thường số tiền 349 tỉ nhưng trong bản án phát hành thì MHBS lại phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này.

Bản án ban hành có được khác với khi tuyên án?

Trao đổi với PV, Luật sư Vũ Xuân Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, bản án được chủ tọa đọc tại phiên tòa có sự chứng kiến của HĐXX, đại diện VKS, bị cáo trong vụ án và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa. Đồng thời, trước khi tuyên đọc bản án này, HĐXX đã nghị án và có biên bản nghị án.

Tại trang 63 của Bản án xuất hiện thêm MHBS phải chịu trách nhiệm liên đới 349 tỉ đồng.

Đối với việc bản án ban hành có điểm khác với bản án khi tuyên, LS Nam khẳng định, rõ ràng có dấu hiệu vi phạm về sửa bản án. Bởi vì bản án đã tuyên như thế nào thì khi phát hành phải như thế đấy.

“Xét theo mặt pháp lý là đã sai, thiếu sót vì ảnh hưởng đến các bên đương sự. Đặc biệt, nếu vấn đề này không có trong bản nghị án thì là vi phạm tố tụng nghiêm trọng”, LS Nam chia sẻ.

Vấn đề đặt ra, trong khi tại tòa, MHBS không bị tuyên phải chịu trách nhiệm liên đới, thế nhưng khi ra bản án, thì công ty này lại có phần trách nhiệm. Vậy nếu trong trường hợp, MHBS căn cứ theo bản án khi tuyên, không cập nhật phần dân sự thì liệu có đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan?

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 261, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thể hiện nội dung, “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai”.

Được biết, Bản án tuyên tại tòa hay Bản án phát hành đều được xem là văn bản pháp luật, nhân danh Nhà nước nên đòi hỏi phải thật chính xác từng câu, từng chữ. Thế nhưng TAND TP.HCM lại “bất ngờ” chỉnh sửa, bổ sung yếu tố chịu trách nhiệm liên đới bồi thường trong vụ án.

Cũng theo LS Nam, về việc tòa tuyên liên đới và không phân định rõ số tiền của từng bên phải chịu trách nhiệm thì sẽ dễ dẫn đến việc phát sinh tranh chấp giữa các bên.

Có hay không việc Tòa án cân nhắc lại nhận định đã tuyên?

Liên quan đến vụ án MHB, LS Nam cho biết, trong quá trình tranh tụng tại tòa, các luật sư cũng như bà Lữ Thị Thanh Bình đã khẳng định và cung cấp tài liệu chứng minh MHBS có khả năng trả nợ cho MHB. Tuy nhiên, HĐXX khi tuyên án lại không yêu cầu MHBS phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Có hay không, khi tuyên án, các cơ quan tố tụng đã nhận định MHB bị thiệt hại tổng số tiền 349 tỉ đồng là do MHBS không còn khả năng thanh toán?

Tiếp tục chia sẻ, LS Nam cho rằng, việc MHBS hoàn trả số tiền này cho MHB chỉ là mối quan hệ hợp đồng kinh tế bình thường chứ không gọi là bồi thường, vì MHBS không phải chủ thể chiếm đoạt, gây thiệt hại.

“Việc MHBS trả tiền cho MHB chỉ là thanh toán một khoản nợ chứ không phải là bồi thường. Có thể, sau khi bị tác động bởi phần tranh tụng tại tòa, nên khi ra bản án thì TAND TP HCM đã thêm phần MHBS chịu trách nhiệm liên đới trong phần dân sự”, LS Nam cho rằng, có lẽ tòa đã có sự cân nhắc.

Như vậy, việc MHBS xuất hiện trong phần dân sự có thể hiện TAND TP HCM đang gián tiếp “đồng thuận” với các ý kiến của các luật sư bào chữa trong phiên tòa rằng: thiệt hại của MHB trong vụ án không phải là 349 tỉ theo như nhận định của tòa và MHBS có đủ khả năng trả hết nợ cho MHB (nay là BIDV)?

Tử Dao

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ban-an-so-tham-tuyen-nguyen-chu-tich-hdqt-ngan-hang-mhb-xuat-hien-diem-moi-55745.htm