Bản án lập kỷ lục đọc 7 tiếng đồng hồ mới xong

Hơn bảy tiếng đọc bản án, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh 9 năm tù, cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa nhận án 10 năm.

Sau năm ngày nghỉ nghị án, ngày 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ ra phán quyết sơ thẩm với 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất nước.

Cựu Trung tướng Công an Phan Văn Vĩnh, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa đang được dẫn tới tòa. (Nguồn ảnh: Báo Dân trí)

Nguyên tắc “phát hiện đến đâu xử lý triệt để đến đó”

Chủ tọa nhận xét Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC, một trong ba chủ mưu) đã thành khẩn, thừa nhận việc vận hành đường dây đánh bạc và xin nhận trách nhiệm thay nhân viên. Để hợp thức “tiền bẩn”, Dương chỉ đạo cấp dưới góp vốn vào công ty riêng của mình, rồi rút tiền ra để hợp thức. Dương còn gửi tiết kiệm, mua bất động sản...

Bác lập luận của luật sư về tội Rửa tiền truy tố với Dương, HĐXX cho rằng do hợp thức hóa “tiền bẩn” nên Dương phải chịu trách nhiệm hình sự. Dương cũng không chứng minh được nguồn tiền dùng góp vốn vào các công ty. Hành vi của Dương có đủ căn cứ kết tội: Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, cần áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức”.

HĐXX nhận định việc phát triển mạnh của game bài đã vượt quá dự định của Dương, Nam cùng các bị cáo song cũng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý, có việc bao che của ông Vĩnh, Hóa. Vì vậy, với hai tội danh bị truy tố, Dương đều được hưởng khoan hồng, đặc biệt với tội Rửa tiền. Việc VKS miễn trách nhiệm hình sự với tội Đưa hối lộ với bị cáo này là hợp lý.

Phan Sào Nam có vai trò thứ hai sau Dương, thuộc nhóm cầm đầu, nhưng đã ăn năn hối cải, nghiêm túc kiểm điểm. Nam có trình độ tri thức cao song do thiếu hiểu biết đã kéo theo nhiều người vướng lao lý. Cựu chủ tịch VTC Online được ghi nhận đã cùng gia đình tích cực nộp hơn 1.000 tỷ đồng thu lời bất chính, đạt hơn 90%.

Nam có nhân thân tốt nhưng vẫn phải chịu một tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” với tôịTổ chức đánh bạc. Nam có thành tích xuất sắc, được hưởng ba tình tiết giảm nhẹ với cả hai tội. Riêng tội Rửa tiền còn hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ ra tự thú. HĐXX cho hay đã nhận được đơn của hơn 400 người trong và ngoài nước xin giảm nhẹ tội cho Nam.

Đây không được xem là tình tiết giảm nhẹ nhưng có thể thấy là sự khoan hồng của dư luận xã hội. Với cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa, HĐXX đánh giá bị cáo không thành khẩn về hành vi phạm tội. Ban đầu, bị cáo Hóa không thừa nhận CNC là công ty bình phong mà cho rằng đó là sự ngộ nhận của Dương cùng nhiều người.

Nội dung đối chất tại tòa với bị cáo Dương cùng các cán bộ công an được triệu tập đã phủ nhận lời khai của bị cáo... Tại phần tranh tụng, cựu cục trưởng C50 mới xin lỗi, thừa nhận khai không chính xác và xin giảm nhẹ hình phạt.

Trong khi game bài Rikvip/Tip.club hoạt động và quảng cáo công khai trên các phương tiện điện tử, với cương vị Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, bị cáo Hóa không chỉ đạo điều tra mà còn tích cực tham mưu để xuất cấp trên hợp thức hóa sai phạm của tổ chức tội phạm này. Dù cấp dưới nhiều lần đề xuất điều tra, bị cáo vẫn ngăn cản. Bị cáo Hóa còn cùng bị cáo Vĩnh chống lệnh cấp trên khi bị yêu cầu xác minh về đường dây đánh bạc.

Để che giấu hành vi phạm tội của mình từ nhiều năm trước, bị cáo Hóa soạn văn bản không số nhờ sếp Vĩnh ký. Bị cáo Hóa có dấu hiệu bảo kê đường dây đánh bạc, có dấu hiệu nhận hối lộ song chưa có căn cứ chứng minh nhận hối lộ.

Theo HĐXX, bị khai trừ Đảng, tước quân tịch đã là hình phạt nghiêm khắc nhất của nhà nước với công an song để đảm bảo sự công bằng cần cách ly bị cáo một thời gian khỏi đời sống xã hội bằng hình phạt tù. Tuy nhiên, bị cáo Hóa có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành tích xuất sắc trong công tác, bố mẹ đẻ được tặng huân chương kháng chiến...

Việc tự nguyện nộp 700 triệu đồng thay C50 dù không thuộc tình tiết giảm nhẹ nhưng áp dụng sự khoan hồng nên cũng cho hưởng tình tiết giảm nhẹ.. Theo bản án, bị cáo Phan Văn Vĩnh nhận tội song khai do quá tin tưởng cấp dưới.

Tòa ghi nhận ý kiến các luật sư khi bào chữa cho rằng nguyên nhân phạm tội của bị cáo vì cấp dưới Nguyễn Thanh Hóa đã che giấu thông tin, không báo cáo. Nhận báo cáo của Dương về việc được công khai kết nối thanh toán cho cổng game bài nhưng bị cáo Vĩnh vẫn bút phê cho phép.

Việc hỗ trợ Dương cùng đường dây tổ chức đánh bạc của cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát này còn thể hiện bằng việc ông ký văn bản gửi Bộ Thông tin Truyền thông xin cấp phép. Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện sai phạm của mình cùng cấp dưới, bị cáo Vĩnh bút phê cả vào văn bản không số do cấp dưới trình.

Bị cáo cố ý bao che hành vi phạm tội của cấp dưới và Dương đến cùng. Khi cấp trên yêu cầu báo cáo về hoạt động của game bài, cựu tổng cục trưởng này đã chống lệnh, có chỉ đạo lần hai mới thực hiện song lại trình bày sai sự thật.

HĐXX không chấp nhận lập luận của luật sư cho rằng bị cáo Vĩnh không bảo kê, bao che mà vì mục đích nghiệp vụ, vì phục vụ xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng. HĐXX đánh giá nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng từ CNC không được đầu tư vào hệ thống phòng thủ này, trừ bộ diệt virus 30.000 USD.

Với cương vị người đứng đầu tổng cục, đáng lẽ bị cáo phải kiên quyết đấu tranh với các tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội nhưng lại cố ý thực hiện hành vi phạm tội nên đáng bị lên án hơn những người khác trong vụ án.

Dù bị Chủ tịch nước tước quân tịch, bị khai trừ Đảng, nhưng hình phạt nghiêm khắc nhất với bị cáo là cách ly khỏi xã hội một thời gian mới đảm bảo tính nghiêm minh và bình đẳng trước pháp luật. Vụ án cũng là lời cảnh tỉnh với tất cả cán bộ công chức đang đảm nhiệm trọng trách song đã không tránh được cám dỗ.

Đây là vụ án quy mô lớn, phức tạp nên các cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc phát hiện đến đâu xử lý triệt để đến đó. Giai đoạn một mới khởi tố hơn 100 người và xét xử 92 bị cáo. Với những người bỏ trốn, chưa xử lý hay thực hiện các hành vi liên quan, tòa không đề cập trong bản án song đây không phải là thiếu sót, bỏ lọt tội phạm mà ở giai đoạn hai cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét.

Việc công bố bản án trên cổng thông tin điện tử của tòa án sẽ được thực hiện theo quy định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Hình phạt nghiêm khắc

Chiều 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ xác định cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh đã phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, phạt 9 năm tù. Cùng tội danh, cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù.

Hai cựu tướng công an bị phạt bổ sung mỗi người 100 triệu đồng. Hình phạt với hai bị cáo cao hơn mức đề nghị của VKS (Phan Văn Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Hóa từ 8 năm đến 8 năm 6 tháng tù).

Trái với hai cựu tướng công an, hai chủ mưu của đường dây đánh bạc được nhận mức án thấp hơn khung hình phạt truy tố. Cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương bị phạt 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 5 năm tù do Rửa tiền.

Tổng hợp hình phạt là 10 năm, mức án VKS đề nghị từ 11 đến 13 năm. Cựu chủ tịch VTC Online Phan Sào Nam bị phạt 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt là 5 năm, mức án đề nghị của VKS từ 6 đến 7 năm.

Nguyễn Văn Dương phải nộp lại toàn bộ 1.700 tỷ đồng, với Phan Sào Nam là 1.500 tỷ đồng. 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt từ 40 triệu đồng đến ba năm tù về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, 17 bị cáo thuộc nhóm tội Mua bán trái phép hóa đơn hoặc Đánh bạc bị phạt tiền, không hình phạt tù. 22 người bị tuyên hình phạt tù treo hoặc cải tạo không giam giữ. Giai đoạn hai của vụ án cần xác minh việc một số doanh nghiệp liên quan hành vi rửa tiền của Phan Sào Nam; điều tra việc thuê đặt máy chủ phục vụ vận hành game bài; làm rõ tỷ lệ phân chia lợi nhuận 20% với C50 theo bản ghi nhớ với CNC.

Tòa kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế cho việc sử dụng thẻ cào ngoài dịch vụ ngoài viễn thông; hoàn thiện quy định pháp luật về phát hành thẻ cũng như thanh toán gạch thẻ.

10 ngày sau phiên khai mạc sơ thẩm vào sáng 12/11, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ cho hay có 89/91 bị cáo đã nhận tội. Ba bị cáo Lê Thị Lan Thanh, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa còn một số vấn đề.

Trong số ba người này, bị cáo Vĩnh cho rằng chỉ phạm tội gián tiếp, thiếu trách nhiệm. Bị cáo Hóa thì bất ngờ phản cung, cho rằng CNC không phải công ty bình phong của C50. VKS sau đó đánh giá bị cáo Hóa quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác.

Bước sang ngày làm việc thứ 11, cả ba bị cáo lại thay đổi lời khai, nhận tội. Từ thời điểm này đến lúc nói lời sau cùng, cựu cục trưởng C50 xin chịu toàn bộ trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai. Bị cáo nhiều lần nói xin lỗi Đảng, Bộ Công an, cấp dưới... và xin HĐXX giảm án để sớm về chịu tang mẹ, nuôi con bé, vợ bị bệnh nan y.

Bị cáo Vĩnh thừa nhận việc buộc tội là chính xác. Ông còn xin khai thêm và bảo ba luật sư của mình không bào chữa nữa vì “chỉ những người trong cuộc mới hiểu được bản chất sai phạm”.

Hồng Trang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ban-an-lap-ky-luc-doc-7-tieng-dong-ho-moi-xong-d85403.html