Bản án dẹp quan điểm 'lệ làng không chia đất cho con gái'

Người chị cả trong vụ kiện tâm sự, bà cùng các em trong nhà đều lớn tuổi, thuộc thế hệ ngày trước, nên vẫn còn giữ nếp suy nghĩ cũ. Rằng con gái đi lấy chồng coi như 'xong', tài sản cha mẹ, đều do con trai thừa hưởng.

(hình minh họa)

(hình minh họa)

Cả mấy chị em gái, không ai có ý định về chia chác đất đai. Nhưng cách đây 12 năm, do người chị thứ hai bị chồng bỏ, một mình nuôi con, không nhà không cửa, nên mới về xin em trai 50m2 đất để dựng nhà. Người em trai đồng ý. Đến lúc cát sạn chở đến, người em “trở cờ”, không cho chị dựng nhà. “Hắn tham chi mà tham dữ quá, đất cha mẹ để lại mấy ngàn m2, mà nhất quyết không lấy ra mấy chục mét cho chị, không kể máu mủ ruột rà. Quá bức xúc, nên mấy chị em tui mới đâm đơn ra tòa”, bà lão thở dài.

Nhà có tám anh chị em gái, bị đơn là con trai duy nhất trong nhà. Cha mẹ qua đời, để lại 2.400 m2 đất, bị đơn “ôm” hết, quản lý và sử dụng một mình. Chị gái bị chồng bỏ, về xin em trai 50m2 đất để dựng nhà, nhưng người em nhất quyết không cho. Các chị em gái đưa đơn ra tòa, đòi chia thừa kế. Bị đơn: “Không chia, không cho chi hết. Tui con trai, tui hưởng. Mồ mả, kỵ giỗ, đều là tui lo hết”. Mấy chị em gái lắc đầu: “Tham chi mà tham dữ tợn. Hám rứa mai mốt chết, có ôm theo đất xuống dưới đó được mô. Hết cả tình ruột thịt”.

Chị em chống gậy đưa nhau ra tòa

Phiên tòa chia thừa kế do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) mở, nguyên đơn, bị đơn đều đã già nua, lưng còng, tóc bạc, da mồi. Ai cũng chậm chạp, khó nhọc nhấc từng bước chân lên các bậc tam cấp. Bị đơn đi cùng con trai, khua khua chiếc gậy chống trên bậc thềm. Ông lão đã 78 tuổi, mặt mày hóp rọp, miệng móm mém, nhưng ánh mắt vẫn còn tinh anh. Dẫn đầu “phe” nguyên đơn là người chị cả đã 85 tuổi. Bà bảo: “Ngó mệ ri đây, chứ lúc tỉnh lúc mê, không còn minh mẫn như trước nữa”.

Chưa đến giờ xét xử, nên các chị em gái phía nguyên đơn chen chúc ngồi ở dãy ghế phía sau. Họ nhường hẳn dãy bàn phía trước cho hai cha con bị đơn. Đụng mặt nhau ở tòa án, nhưng hai “phe” chẳng ai chào bị đơn một tiếng. Họ như thể chưa từng quen biết.

Phiên tòa bắt đầu, phía nguyên đơn đã ủy quyền cho một người cháu tham gia tố tụng, nhưng tòa vẫn kiểm tra căn cước những người còn lại. Người chị cả vì lớn tuổi nên lãng tai, tòa nhắc câu hỏi hai ba lần vẫn chưa nghe thấy. Vẻ bực bội, bà xăm xăm bước lên phía bàn của HĐXX để nghe cho được rõ, liền bị các cô em giật áo kéo ngược trở lui. Cứ thế, cảnh lôi kéo ấy liên tục lặp đi lặp lại trong suốt phiên tòa.

Tòa hỏi bị đơn: “Ông có đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa không?”.

“Tui già ri rồi, khỏe mô nữa mà khỏe…”.

Người con trai lay vai cha, ghé sát vào tai thì thầm to nhỏ. Ông lão gật đầu, bảo tham gia được.

“Ông có đứng được để trả lời các câu hỏi của tòa không?”.

“Ui cha, hai chân tui đau dữ lắm. Hắn đau mấy năm ni rồi. Đứng lâu không được”.

“Vậy tòa cho ông được phép ngồi trả lời”.

“Tui ngồi lâu mô có được. Ngồi một chặp là phải đi tới đi lui”.

Có tiếng cười rúc tích của những người dự khán. Vì bị đơn cũng điếc không thua kém gì người chị cả của mình, nên tòa đành phải cho ông kéo ghế đến ngồi sát sạt trước mặt HĐXX. Người con trai cũng đi theo cha, để truyền đạt lại cho cha rõ những lời tòa hỏi. Thấy ông lão kéo ghế lên ngồi phía trước bàn, tay hua hua cây gậy lên xuống, vị chủ tọa vội vã bảo ông cất cây gậy xa ra một góc. Ông lão xiêu vẹo đứng dậy đi cất.

Lấy vàng chị gái, bán đất mẹ cha?

Theo nguyên đơn, lúc chị em còn nhỏ, cha mẹ có tạo lập một mảnh vườn, xây ngôi nhà tường gạch mái tranh và một số ruộng đất khác ở phường An Đông, TP Huế. Năm 1968, nhà tranh bị cháy, tường gạch bị hư, cha mẹ che tạm mái tôn cho các con ở. Năm 1973, cha mẹ bán bớt ruộng đất, xây nên hai ngôi nhà chính phụ trên nền ngôi nhà cũ, tường bờ lô, mái lợp ngói. Đồ dùng trong gia đình, người chị thứ hai mua sắm. Nhà và vật dụng hiện vẫn không thay đổi, người em trai chỉ có lót thêm gạch men và quét vôi.

Năm 1989, người cha chết. Đám tang do người chị thứ hai lo ma chay. Quyền quản lý nhà và đất giao lại cho mẹ. Người chị này ở với mẹ để lo săn sóc bà. Năm 1996, mẹ chết. Tang lễ do các chị em và các cháu đóng góp. Nhưng tiền bà con đi phúng điếu, vợ chồng người em trai lấy hết.

Mẹ chết, người chị thứ hai vẫn ở trong nhà như hồi bà còn sống. Vợ chồng người em trai mượn 7,5 lượng vàng của chị gái thứ hai, nhưng không chịu trả. Buồn tình, bà bỏ nhà ra đi, làm thuê làm mướn sống qua ngày. Ở nhà, vợ chồng người em trai tự ý chiếm dụng di sản thừa kế. Ông âm thầm kê khai, rồi làm sổ đỏ, sau đó mang bán một nửa mà không thông qua các chị em gái. Bức xúc, các bà gửi đơn khởi kiện đòi chia di sản thừa kế bố mẹ để lại.

Do em trai đã bán mất một nửa di sản cha mẹ để lại, nên các chị em gái thống nhất, xem phần đất này là di sản của người cha. Phần diện tích còn lại là 1.243 m2, xem như là tài sản do mẹ để lại, các nguyên đơn đòi chia thừa kế theo pháp luật.

Người chị cả trong vụ kiện tâm sự, bà cùng các em trong nhà đều lớn tuổi, thuộc thế hệ ngày trước, nên vẫn còn giữ nếp suy nghĩ cũ. Rằng con gái đi lấy chồng coi như “xong”, tài sản cha mẹ, đều do con trai thừa hưởng. Cả mấy chị em gái, không ai có ý định về chia chác đất đai. Nhưng cách đây 12 năm, do người chị thứ hai bị chồng bỏ, một mình nuôi con, không nhà không cửa, nên mới về xin em trai 50m2 đất để dựng nhà.

Người em trai đồng ý. Đến lúc cát sạn chở đến, người em “trở cờ”, không cho chị dựng nhà, khiến bà phải đi ở đậu nhà cô em gái kế út. “Hắn tham chi mà tham dữ quá, đất cha mẹ để lại mấy ngàn m2, mà nhất quyết không lấy ra mấy chục mét cho chị. Tham đến mờ mắt, không kể chi máu mủ ruột rà. Quá bức xúc, nên mấy chị em tui mới đâm đơn ra tòa, yêu cầu chia thừa kế”, bà lão thở dài.

Suốt 12 năm dài đi kiện, người chị hai nghèo khổ năm nào đã qua đời. Người con trai của bà cũng mất. Người chị gái thứ ba cũng không còn. Vợ em trai cũng khuất núi. Tình anh em ruột thịt cũng mất. Nhưng vụ kiện mãi vẫn chưa có hồi kết.

“Tui con trai một. Tui hưởng hết”

Tòa hỏi bị đơn: “Ông có đồng ý chia di sản thừa kế phần mẹ ông để lại cho các nguyên đơn không?”.

“Không đồng ý. Không chia, không cho chi cả”.

“Ông có đồng ý chia phần tài sản mà cha ông để lại, hiện ông đang sử dụng không?”.

“Không đồng ý. Tui con trai tui hưởng. Mồ mả, kỵ giỗ gì, đều một tay tui lo cả”.

“Nguồn gốc đất này ở đâu mà có?”.

“Của ông bà nội để lại cho cha mạ tui. Hết đời cha mạ, thì họ để lại cho tui”.

“Ông có giấy tờ gì thể hiện cha mẹ cho không?”.

“Cần gì giấy tờ. Tui con trai một. Tui hưởng hết”.

“Đất đai cha mẹ ông để lại, ông quản lý bao nhiêu?”.

“2.413 m2”.

“Hiện ông đang sử dụng bao nhiêu?”.

“1.243 m2”.

“Tại sao không quản lý hết mà chỉ khoảng một nửa?”.

“Bán rồi”.

“Bán có hội ý với các chị em gái không? Có lập văn bản? Có lăn tay, điểm chỉ không?”.

“Có chứ, đầy đủ”.

“Vậy sao giờ họ đi kiện?”.

“Tui nói không nổi mấy người họ”.

Tòa lại hỏi nguyên đơn, vì sao có lăn tay? Nguyên đơn cho hay, họ bị em trai lừa điểm chỉ, chứ không biết nội dung. “Chị em tui đều ít học. Lại thêm lớn tuổi, mắt kém, chữ xấu đọc không ra. Lúc ổng kêu đến lăn tay, điểm chỉ vào giấy, tui có dẫn theo mấy đứa cháu, nên yêu cầu để đứa cháu đọc nội dung bên trong viết gì, nhưng ổng nhất quyết không cho. Ổng dọa nếu không điểm chỉ, nhà nước sẽ lấy mất đất. Sợ quá, nên mấy chị em mới điểm chỉ, ai ngờ ổng lừa rồi bán đất”, một nguyên đơn lên tiếng.

Người này kể, bao nhiêu năm chị em trong nhà tranh chấp nhau tài sản, nên tình ruột thịt cũng không còn. Chẳng ai nhìn mặt ai. Cha mẹ được người con trai thờ tự, nhưng sau ngày bùng nổ mâu thuẫn, các chị em gái chẳng bao giờ ghé lại thắp nén nhang. Bởi có lần họ mang trái cây đến cúng, nhưng bị gia đình người em trai đổ bỏ, đuổi đi.

Ngày kỵ giỗ cha mẹ, mấy chị em phải gồng gánh mâm cơm lên tận trên mộ. Kỵ cha mẹ rơi vào tháng 10, tháng 11, mưa gió suốt. Họ phải dựng lên tấm bạt che mưa để cúng, nén nhang đốt mãi vẫn không cháy hết.

Tòa hỏi bị đơn: “Nếu tòa bác đơn kiện thì thôi, nhưng nếu chấp nhận đơn khởi kiện, ông có yêu cầu thanh toán công sức tôn tạo trong những năm qua không?”. “Không chia chác chi cả. Nên tui không yêu cầu”.

Mười hai năm đưa vụ án ra tòa, quá trình vụ kiện kéo dài khiến một người em gái lúc đầu đứng đơn nguyên đơn, sau này bị cho là lại chạy về “phe” bị đơn. Người chị gái thứ ba trước khi qua đời, đứng “phe” trung lập, với lý do nếu các anh chị em chia tài sản, thì bà nhận phần của mình, còn không thì để em trai quản lý. Tại phiên tòa sơ thẩm, các nguyên đơn yêu cầu được chia chung một thửa. Sau này có nhu cầu, họ sẽ tự tách thửa.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, và được thẩm tra tại tòa, HĐXX quyết định, chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn. Chia cho nguyên đơn 645m2, tức mỗi người được nhận 129 m2. Phần đất trống còn lại thuộc bị đơn và hai chị em gái của mình.

Bao nhiêu năm chị em trong nhà tranh chấp nhau tài sản, nên tình ruột thịt cũng không còn. Chẳng ai nhìn mặt ai. Cha mẹ được người con trai thờ tự, nhưng sau ngày bùng nổ mâu thuẫn, các chị em gái chẳng bao giờ ghé lại thắp nén nhang. Bởi có lần họ mang trái cây đến cúng, nhưng bị gia đình người em trai đổ bỏ, đuổi đi. Ngày kỵ giỗ cha mẹ, mấy chị em gái phải gồng gánh mâm cơm lên tận trên mộ. Kỵ cha mẹ rơi vào tháng 10, tháng 11, mưa gió suốt. Họ phải dựng lên tấm bạt che mưa để cúng, nén nhang đốt mãi vẫn không cháy hết.

Nguyễn Hà

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/ban-an-dep-quan-diem-le-lang-khong-chia-dat-cho-con-gai-386254.html