Bán 8,1tỷ USD vũ khí cho vùng Vịnh: Kế hiểm của Mỹ

Ngay sau chuỗi ngày căng thẳng leo thang với Iran, Mỹ đã nhanh chóng có hợp đồng vũ khí lớn trị giá tới hơn 8 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo ngày 24/5 đã xác nhận Washington đã phê duyệt bản hợp đồng 8,1 tỷ USD chuyển giao vũ khí cho một số quốc gia vùng Vịnh gồm Arab Saudi, Jordan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

"Hôm nay, viện dẫn theo mục 36 của Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí và những chỉ đạo từ Nhà Trắng, bản hợp đồng bao gồm 22 hạng mục chuyển giao vũ khí cho 3 nước Jordan, UAE và Arab Saudi có tổng tị giá khoảng 8,1 tỷ USD đã được thông qua" - ông Pompeo thông báo.

"Những thương vụ này để ngăn chặn sự xâm lược của Iran và xây dựng năng lực tự vệ của đối tác đồng minh của nước Mỹ. Tôi tin rằng các đồng minh đã được gia tăng sức mạnh, sự ổn định của Trung Đông cũng được đảm bảo" - Ngoại trưởng Pompeo khẳng định.

Theo ông Pompeo, động thái chuyển giao lập tức 8,1 tỷ USD vũ khí này là vô cùng quan trọng với các đối tác của Mỹ trong khu vực. Và động thái này nhằm đảm bảo cho Washington cùng các đồng minh thêm tin tưởng vào nhau về sự phối hợp kịp thời.

Ngoại trưởng Pompeo vui vẻ trong chuyến thăm Arab Saudi cuối năm 2018

Ngoại trưởng Pompeo vui vẻ trong chuyến thăm Arab Saudi cuối năm 2018

Thông báo từ Bộ Quốc phòng Mỹ, các thiết bị được chuyển giao trong 22 hạng mục này bao gồm một số loại đạn dẫn đường chính xác (PGM), tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phá boongke, cùng các gói nâng cấp, bảo trì chiến đấu cơ tiêm kích, trực thăng đa nhiệm...

Các loại vũ khí chính xác bị ràng buộc bởi những điều luật nghiêm ngặt trong Luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã ngay lập tức kích hoạt điều khoản cho phép Tổng thống thông qua các hợp đồng mà không cần phải trình lên Quốc hội.

Trong ngày 24/5, Mỹ liên tiếp đưa ra hai thông tin đáng chú ý: điều thêm 1.500 quân đến Trung Đông để gia tăng khả năng thường trực tác chiến, đề phòng xung đột quân sự với Iran và thông báo bán thêm 8,1 tỷ USD vũ khí cho các đồng minh vùng Vịnh xung quanh Iran.

Mỹ và Iran bắt đầu cuộc leo thang căng thẳng kể từ thời điểm ngày 5/5, sau khi Mỹ tuyên bố chấm dứt tình trạng miễn trừ trừng phạt cho 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran, đồng thời điều biên đội tác chiến hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln đến vùng Vịnh.

Cho đến nay, sau 20 ngày căng thẳng với chính sách "bên miệng hố chiến tranh", Mỹ đã hưởng quả ngọt đầu tiên khi 3 nước đồng minh đã chấp thuận móc hầu bao chi thêm 8,1 tỷ USD tiền vũ khí.

Những loại vũ khí này là khoản phát sinh, không phải gói vũ khí mà ông Trump có được với Arab Saudi khi vừa nhậm chức với tổng trị giá khoảng 100 tỷ USD.

Khí tài trong quân đội Arab Saudi đa phần do Mỹ cung cấp

Tuy nhiên, mục đích Mỹ không chỉ dừng lại ở việc có các hợp đồng mua bán vũ khí bổ sung. Cần nhìn lại thái độ của các quốc gia vùng Vịnh trong giai đoạn 20 ngày căng thẳng này. Đầu tiên, Arab Saudi đồng ý cho Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của mình trong trường hợp có chiến tranh với Iran. Tiếp đến, các nước UAE, Jordan, Qatar, Bahrain cũng có hành động tương tự.

Như vậy, nếu có một cuộc chiến thực sự nổ ra, Washington đã nhận được lời cam kết từ nhiều bên, đủ sức để tạo thành một gọng kìm bao vây Iran, có thể triển khai không kích tổng lực từ rất nhiều hướng chiến lược.

Chỉ có điều, Washington không muốn đẩy mình vào thế chiến tranh đơn phương với quốc gia Hồi giáo có tiềm lực quân sự hùng mạnh này. Đó là lý do vì sao Mỹ đã kêu gọi NATO cùng đưa quân vào phối hợp với đội tàu sân bay của mình, nhưng nhận lại kết quả là tàu chiến của Tây Ban Nha đã tự rút khỏi đội hình vì không muốn tham gia vào cuộc xung đột với Iran (không may xảy ra).

Mỹ đã có cái gật đầu từ các đồng minh vùng Vịnh về việc cho mượn căn cứ, tuy nhiên, ở đây xuất hiện mâu thuẫn về lợi ích. Iran là kẻ thù chung của khối Ả Rập ở vùng Vịnh.

Họ nhiệt tình cho Mỹ mượn đường đánh kẻ thù, nhưng không muốn tham chiến. Bằng chứng ở việc các nước Ả Rập không hề đề nghị mua thêm những gói vũ khí mới để phục vụ nguy cơ chiến tranh diện rộng.

Quân đội Iran duyệt binh

Ngược lại, Mỹ đã có thể buộc các đồng minh của họ móc hầu bao để mua vũ khí. Và cần thấy rằng nhưng loại vũ khí này tập trung vào việc gia tăng đạn dược, các loại bom chuyên dụng để tấn công Iran, quân đội vốn nổi tiếng với các căn cứ kiên cố và những công sự ngầm, lực lượng xe tăng, xe thiết giáp đông đảo.

Vì thế, Washington không bao giờ châm ngòi cuộc chiến này với tư thế là người tiên phong. Khi có được sự ủng hộ từ vùng Vịnh, nhưng chỉ vấn đề căn cứ, địa lý là chưa đủ.

Người Mỹ muốn người Ả Rập phải đi tuyến đầu, hoặc chí ít là sát cánh với mình nếu phát động chiến tranh. Câu chuyện về một NATO Ả Rập một lần nữa được gợi mở trở lại. Đây mới là dụng ý hiểm nhất mà Mỹ đang buộc các nước Ả Rập phải chấp nhận thông qua hợp đồng 8,1 tỷ USD này.

Tuy nhiên, tình hình có thực sự căng thẳng đến mức như vậy. Khi tất cả các bên đều đã leo thang, cần phải có một sứ giả tạo điều kiện để các bên xuống thang mâu thuẫn. Đúng lúc này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ lên kế hoạch thăm Iran trong tháng 6 tới đây.

Nhật là đồng minh của Mỹ, nhưng lại là một đối tác quan trọng về năng lượng Iran. Rất có thể, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đảm nhiệm vai trò đi sứ lần này để trở thành cầu nối hòa giải, giảm nhiệt căng thẳng của cả hai bên.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ban-81ty-usd-vu-khi-cho-vung-vinh-ke-hiem-cua-my-3380700/