Bán 100 USD phạt 90 triệu và chuyện sinh viên bán dâm

Vụ phạt bán 100 USD bị phản ứng vì không chia khung hình phạt cụ thể, ngược lại đếm chi tiết để xử lý sinh viên bán dâm lại gây phẫn nộ...

Sau vụ người đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, sinh viên sư phạm bán dâm không quá 4 lần, quy định "ngực lép" không được phép lái tàu bị dư luận phản đối... câu hỏi được đặt ra về việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có điểm vênh với thực tế tại sao vẫn diễn ra phổ biến và thực tế tồn tại từ lâu?

Ngày 30/10/2018, trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội cho biết, việc xây dựng luật đúng ra phải thực hiện theo đúng trình tự, với mỗi bộ luật trước khi soạn thảo cần xác định rõ sẽ ảnh hưởng tới đối tượng nào trong xã hội, nhóm người dân nào bị ảnh hưởng nhiều nhất để đưa ra tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan.

Khi có văn bản soạn thảo rồi cũng cần phải được lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, đặc biệt tập chung vào việc hỏi những đối tượng bị hưởng nhiều nhất bởi các quy phạm ấy.

Ông Lê Hồng Lực - chủ tiệm vàng Thảo Lực, người liên quan đến vụ việc thu đổi 100 USD bị xử phạt 90 triệu đồng ở TP. Cần Thơ.

"Ví dụ, điều khoản phạt người bán ngoại tệ (không quy định cụ thể bán bao nhiêu) tới 90 triệu đồng trước khi chính thức ban hành mà được lấy ý kiến người dân thì chắc chắn sẽ không có ai đồng tình, quy phạm này không thể ra đời được đâu!

Hay như dự thảo mà Bộ GD&ĐT mới ban hành quy định, sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học vấp phải sự phản đối của dư luận khiến nhiều ĐBQH đặt câu hỏi đơn vị soạn thảo văn bản này có vấn đề về kiến thức hay tâm thức mà lại đưa ra như vậy?" - ông Thuận đặt ra câu hỏi.

"Cần phải đặt ra câu hỏi việc soạn thảo những văn bản quy phạm pháp luật có đúng trình tự hay không? Tôi tin chắc là không!"

>>Bộ trưởng Giáo dục: Quy định xử phạt sinh viên sư phạm bán dâm có từ năm 2007

Theo ông Thuận, những văn bản như thế này cần phải được Bộ Tư pháp chặn ngay từ gốc, hay các ủy ban của Quốc hội cần phải vào cuộc, giám sát trực tiếp, chặt hơn nữa việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành.

Nếu tình trạng cứ ban hành rồi sửa chữa diễn ra thường xuyên sẽ khiến người dân cảm thấy hoang mang và mất tính trang nghiêm của pháp luật.

Khi thấy những văn bản quy phạm pháp luật gây bức xúc, có nhiều điều khoản không đúng với thực tế Bộ Tư pháp cần có biện pháp đề nghị khắc phục, sửa đổi ngay chứ không thể đến khi xảy ra sự vụ, báo chí vào cuộc phải ánh mới vội vàng đề xuất, tham mưu thì cũng đã là muộn.

Ông Thuận nhắc thêm chuyện mới đây Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, năm 2017 có 5.600 văn bản của cơ quan nhà nước ban hành trái quy định pháp luật.

"Sau báo cáo này Bộ Tư pháp có động thái gì để thu hổi, giảm hệ lụy mà những văn bản đó gây ra hay vẫn để số văn bản này lưu hành ngoài xã hội khiến bao người dân bị ảnh hưởng?" - ông Thuận băn khoăn.

Đánh giá nguyên nhân nhiều văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù về quản lý xã hội là cần thiết nhưng lúc ban hành thì lại vấp phải sự phản ứng trái chiều, ông Thuận cho rằng không phải do kỹ nặng soạn thảo văn bản, không phải do lỗi đánh máy mà do "não trạng" người soạn thảo có vấn đề.

"Khi tư duy về pháp luật còn mang ý thức chủ quan, chỉ nhăm nhăm xử phạt và nghĩ rằng mức xử phạt càng cao càng tốt mà không quy định cụ thể với những hành vi, mức độ như thế nào để xử phạt thì khó áp dụng, đi vào thực tiễn, đồng nghĩa với việc vấp phải sự phản đối của người dân cả nước để điều dễ hiểu" - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kết lại.

Văn Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ban-100-usd-phat-90-trieu-va-chuyen-sinh-vien-ban-dam-3368278/