Bám sát Nghị quyết Trung ương 6 và điều kiện thực tiễn để triển khai đề án giáo dục, y tế

Tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 18, chiều 21/6, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Hà Tĩnh nghe và cho ý kiến về Đề án 'Chính sách phát triển giáo dục – đào tạo đến năm 2025 và những năm tiếp theo' và Đề án 'Sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành y tế Hà Tĩnh'.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì buổi làm việc.

Theo trình bày của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Đề án "Chính sách phát triển giáo dục – đào tạo đến năm 2025 và những năm tiếp theo" được xây dựng với quan điểm: Giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp và thành lập các trường liên cấp (tiểu học, THCS, THPT), liên xã.

Việc sắp xếp trường lớp đi đôi với việc sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Đề án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2018-2021 và giai đoạn từ 2021-2025. Nhiệm vụ, giải pháp được xác định là: Sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non và phổ thông; chuyển đổi các trường học sang cơ chế tự chủ; xây dựng các điều kiện đảm bảo; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Kinh phí thực hiện đề án theo các chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư của bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Nhu cầu kinh phí từ năm 2018 đến 2025 là hơn 121 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng: Về việc chuyển đổi các trường sang cơ chế tự chủ, ngành sẽ thực hiện theo tinh thần Nghị định 43 của Chính phủ. Còn về tự chủ tài chính, phải đợi cho đến khi Chính phủ có điều chỉnh về chính sách học phí và có thí điểm mô hình mới triển khai theo lộ trình.

Đề án "Sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành y tế" thống nhất mô hình quản lý theo ngành từ tỉnh đến cơ sở; sáp nhập các trung tâm tuyến tỉnh có cùng chức năng tương đồng; thành lập trung tâm y tế huyện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh; sắp xếp lại các trạm y tế xã, phường, thị trấn theo vùng 1,2,3.

Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu: Việc sáp nhập BVĐK huyện và trung tâm YTDP vào Trung tâm Y tế huyện vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính.

Theo dự thảo đề án, kết quả sắp xếp lại tổ chức bộ máy, ngành y tế sẽ giảm được 24 đơn vị tuyến huyện; giảm 42 trạm y tế. Số lượng biên chế dự kiến sẽ giảm: 6 vị trí cấp trưởng, 3 vị trí cấp phó ở tuyến tỉnh; 24 vị trí cấp trưởng và 11 vị trí cấp phó ở tuyến huyện. Dự kiến giảm 80 viên chức, người lao động ở các bộ phận gián tiếp như: Tổ chức, hành chính, kế toán, lái xe…

Theo lộ trình, quý III/2018 sẽ hoàn thành việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, xây dựng đề án thành lập các trung tâm y tế tuyến huyện; quý IV, hoàn thành việc thành lập các trung tâm y tế tuyến huyện và đi vào hoạt động, kiện toàn các trạm y tế xã. Từ năm 2019, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị còn lại theo các văn bản hướng dẫn.

Góp ý vào nội dung các Đề án, các đại biểu cho rằng, các Đề án đã được chuẩn bị khá công phu theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12 và Nghị quyết 19. Tuy nhiên, cũng còn có một số ý kiến chưa thống nhất giữa các địa phương do điều kiện thực tiễn khác nhau.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Các đề án được xây dựng theo tinh thần không làm xáo trộn hoạt động dạy, học cũng như chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, cần quan tâm đến xã hội hóa để thu hút nguồn lực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, trách nhiệm của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trong quá trình chuẩn bị các nội dung về báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng; các đề án về giáo dục, y tế. Trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu, yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục lấy ý kiến góp ý và sớm hoàn chỉnh dự thảo báo cáo và các đề án.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, với quan điểm ổn định và phát triển, cần tập trung giải pháp đưa các nghị quyết vào cuộc sống, nhất là các nghị quyết thuộc lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ; tập trung giải quyết các tồn đọng; quan tâm vấn đề môi trường; tăng cường an ninh trật tự gắn trách nhiệm với các địa phương…

Đối với 2 đề án về giáo dục và y tế, cần thực hiện trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Tĩnh. Trước mắt, cần tuyên truyền sâu rộng để Nghị quyết Trung ương 6 sớm đi vào cuộc sống, tạo đồng thuận trong quá trình xây dựng các đề án. Riêng đề án về chính sách giáo dục, phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch có tính chiến lược, gắn với sắp xếp, sáp nhập xã; nâng cao chất lượng dạy học theo hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, nâng chất lượng giáo viên…

Phân tích kỹ việc phân cấp quản lý đối với các cơ sở y tế, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu xây dựng đề án tinh giản bộ máy ngành y theo quan điểm “chuyên môn xuyên suốt ngành dọc, quản lý trực thuộc địa phương”. Về sáp nhập y tế học đường, dân số và y tế dự phòng, cần chờ nghị quyết mới liên quan ban hành rồi mới triển khai thực hiện.

Biện Nhung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-tri/bam-sat-nghi-quyet-trung-uong-6-va-dieu-kien-thuc-tien-de-trien-khai-de-an-giao-duc-y-te/156787.htm