Bám sát diễn biến dịch COVID - 19 trước khi quyết định cho học sinh đi học

Phải thực hiện nghiêm chỉ thị của Trung ương đảm bảo điều kiện an toàn sức khỏe cho thầy cô, em học sinh. Nếu trường học chưa an toàn thì phải cho học sinh, thầy cô nghỉ.

Ngày 20/2, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị khẩn lên Chính phủ về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh đến hết tháng 3/2020 và điều chỉnh thời gian năm học 2019 - 2020.

Tại trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), toàn bộ các lớp học, thư viện, khu vực khuôn viên các trường đều được phun thuốc diệt khuẩn. Ảnh: Lê Phú

Tại trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), toàn bộ các lớp học, thư viện, khu vực khuôn viên các trường đều được phun thuốc diệt khuẩn. Ảnh: Lê Phú

Lý do được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đưa ra là dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT tổ chức 4 kỳ nghỉ trong một năm như nhiều quốc gia khác. Có thể nghỉ hè chỉ kéo dài 35 ngày, nghỉ Tết một tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại kéo dài 2 tuần.

Chia sẻ trước đề xuất của hai thành phố lớn, PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ quy định khung thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5, nhưng do điều kiện học sinh nghỉ học vừa qua, thì Bộ sẽ điều chỉnh mốc này. Bộ sẽ tính toán lùi từ 2 - 3 tuần, nhằm đảm bảo bù vào khoảng thời gian học sinh đã nghỉ. Thêm nữa, chúng ta có tuần dự phòng. Vì vậy, địa phương, nhà trường xây dựng kế hoạch điều chỉnh, khi quay lại trường phải đáp ứng đủ yêu cầu mà Bộ GD&ĐT đã quy định.

“Phải thực hiện nghiêm chỉ thị của Trung ương đảm bảo điều kiện an toàn sức khỏe cho thầy cô, em học sinh. Nếu trường học chưa an toàn thì phải cho học sinh, thầy cô nghỉ. Nhưng việc cho nghỉ hay không, cũng phải theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh mà cơ quan chức năng đưa ra, đặc biệt là Bộ Y tế để quyết định”, PGS TS Nguyễn Xuân Thành nói.

Tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Xuân Thành cũng bày tỏ quan điểm cho học sinh nghỉ nhiều hơn, kéo dài hơn sẽ khá nhiều bất lợi… Nếu học sinh đến trường thì sẽ đảm bảo điều kiện học tập hoàn thành chương trình, đáp ứng yêu cầu kỳ thi chuyển cấp. Đối với đề xuất 1 năm 4 kỳ nghỉ thì cũng phải tính toán cẩn thận. Các quốc gia khác nhau thì có các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa, thời tiết khác nhau; nên không thể cứ áp dụng một "khunng" được. Ví dụ như các vùng ôn đới, đến hè không quá nóng thì học sinh vẫn đến trường được.

PGS TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT có những khung "giãn" thời gian giãn đối với kỳ thi chuyển cấp như lớp 10, sẽ không ảnh hưởng. Còn mốc thời gian thi THPT quốc gia thì chưa ấn định là ngày nào, thường Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn riêng; nhưng Bộ sẽ tính toán mốc thời gian đảm bảo học sinh hoàn thành chương trình, chuẩn bị ôn tập thi THPT quốc gia.

Trường hợp bất khả kháng, Bộ ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng cho thầy cô, học sinh. Nếu buộc phải áp dụng biện pháp đặc thù với những vùng đặc biệt, hoặc vượt quá khả năng quyết định của Bộ GD&ĐT, thì Bộ sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian học sinh nghỉ học, những phương thức như học trực tuyến, email, tin nhắn… được Bộ GD&ĐT xem là những hình thức kết nối thông thường để hỗ trợ học sinh tự học ở nhà. Điều này sẽ không thay thế được việc giảng dạy trực tiếp ở trường.

Lê Vân/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/bam-sat-dien-bien-dich-covid-19-truoc-khi-quyet-dinh-cho-hoc-sinh-di-hoc-20200220163549015.htm