Bám sát chỉ đạo, triển khai sâu rộng trong hội viên

Xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng với những yêu cầu, tiêu chí ngày càng cao, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn. Trên tinh thần đó, HND các cấp đã và đang bám sát chỉ đạo chung của tỉnh, triển khai những việc làm cụ thể, chung sức xây dựng NTM.

Hộ ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều) đi đầu của xã trong chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn để nâng cao thu nhập.

Hộ ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều) đi đầu của xã trong chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn để nâng cao thu nhập.

Tạo đồng thuận, phát huy sức mạnh hội viên

Với số lượng hội viên đông đảo (97.890 hội viên) sinh hoạt ở 1.278 chi hội, HND đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM. Ðể thực hiện hiệu quả phong trào, Hội xác định trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về mục đích, nội dung, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.

Các cấp HND trong tỉnh đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền về chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Trung ương Hội, của tỉnh về xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực đã được các cấp hội triển khai thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội; sân khấu hóa các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa, văn nghệ; cung cấp tài liệu cho cơ sở hội sinh hoạt; tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng...

Nông dân xã Tiền An (TX Quảng Yên) tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường trong "Ngày Chủ nhật xanh".

Ðặc biệt, HND tỉnh triển khai phong trào thi đua “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các cấp hội chủ động đảm nhận các phần việc, tiêu chí cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội, như: Thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm.

Trong 5 năm qua, nông dân trong tỉnh đã hiến hơn 450.000m2 đất; tự nguyện tháo dỡ trên 50.000m tường rào để xây dựng hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng; đóng góp hơn 65,3 tỷ đồng, hơn 364.000 ngày công lao động, sửa chữa và làm mới 1.461km đường giao thông, 179,3km kênh mương, sửa chữa 253 cầu cống.

Toàn tỉnh đã xây dựng 638 chi hội thực hiện tiêu chí “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”; 81 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu sản xuất; 215 hầm biogas; triển khai các mô hình xử lý rác thải, mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi…

Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại. Cùng với đó, tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tập trung, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ; xây dựng các khu vườn mẫu, thôn mẫu…

Giao lưu bóng đá nữ DTTS huyện Bình Liêu và TP Móng Cái.

Thi đua lao động sản xuất, nâng cao thu nhập

Với mục tiêu không ngừng hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên nâng cao đời sống kinh tế, các cấp HND trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của nông dân.

Ông Đào Thanh Lưỡng, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tập trung vào thi đua lao động sản xuất, nâng cao thu nhập; đẩy mạnh chuyển giao KHKT, cung ứng các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng các mô hình trang trại, gia trại về phát triển bền vững. Cùng với đó, khuyến khích hội viên mạnh dạn chuyển đổi, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, gắn với sản xuất, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho các hàng hóa nông sản của địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa HND với doanh nghiệp thông qua các mô hình tổ hợp tác, HTX, để tạo ra vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản lượng đủ lớn, đảm bảo chất lượng và ổn định.

Mô hình trồng trà hoa vàng của hộ ông Đàm Văn Cường (thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) cho thu nhập 300-500 triệu đồng/năm.

Toàn tỉnh hiện duy trì 42 CLB nông dân theo ngành, nghề với gần 2.000 thành viên, là các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP với hàng trăm mô mình phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần thực hiện tốt tiêu chí về tổ chức sản xuất.

HND các cấp cũng tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ xã nghèo xây dựng NTM. Thông qua các nguồn lực lồng ghép đã hỗ trợ xây dựng 33 mô hình giảm nghèo bền vững cho 639 hộ với kinh phí gần 7 tỷ đồng; cung cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo hàng chục nghìn con trâu, bò, dê, lợn, gà giống, 150.000 cây keo giống, 62 tấn phân lân... Các cấp hội cũng tổ chức cho vay không lấy lãi 11,4 tỷ đồng vốn phát triển sản xuất, trực tiếp giúp đỡ 1.632 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.

Ông Ân Văn Kim, xã Sơn Dương, TP Hạ Long (bên trái), chia sẻ kỹ thuật trồng ổi lai lê cho các nông dân.

Giai đoạn tới, HND tỉnh chỉ đạo các cấp hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả chương trình NTM ở giai đoạn cao hơn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, chương trình OCOP gắn với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho người dân; nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202007/phat-huy-vai-tro-cua-hoi-nong-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-bam-sat-chi-dao-trien-khai-sau-rong-trong-hoi-vien-2491547/