'Bám rễ' tại Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ 'ăn dầm nằm dề' thế trận Al-Bab

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục gia tăng thế trận tại thị trấn Al-Bab.

Al-Bab – Thế trận mới của Ankara

Tại Al-Bab, cờ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn treo trên đường phố, trên các tòa nhà chính quyền Ả rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Một trong số các biển quảng cáo đầu tiên là hình ảnh các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong trận chiến giải phóng thị trấn khỏi khủng bố IS.

Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng ảnh hưởng tại thị trấn Al-Bab. Ảnh:EPA

Ngày 12/2/2017, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch Lá chắn Euphrates (Euphrates Shield) đã thông báo, họ đã chiếm được các trang trại Al-Shehabi nằm ở sườn phía bắc của al-Bab sau một trận chiến khốc liệt với lực lượng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng đối lập được hậu thuẫn là Quân đội Syria Tự do (FSA) đã kiểm soát lối vào phía bắc của al-Bab, thị trấn đã bị bao vây hoàn toàn bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria.

Al-Bab là một thị trấn thuộc tỉnh Aleppo. Al-Bab nằm 40 km về phía đông bắc Aleppo, 30 km về phía nam của biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trấn vẫn còn nguyên “vết sẹo chiến tranh” và đang trong thời gian phục hồi. Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng một bệnh viện lớn tại thị trấn này.

“Lý do chính cho sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề nhân đạo. Chúng tôi muốn nhắc đến tinh thần láng giềng bởi vị trí địa lý gần gũi trong suốt 600 năm”, ông Senol Esmer, phó thị trưởng thành phố Gaziantep cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục “đóng chốt” lâu dài tại phía Bắc Syria gần hai năm sau khi binh lính chuyển đến và xây dựng căn cứ tại thị trấn này.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang gia tăng ảnh hưởng trên 4000 km2 tại Syria. ¼ dân số Syria dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ trong tình hình gián tiếp hoặc trực tiếp, trong đó có khoảng 3.6 triệu tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 600.000 người sống trong vùng đất này và 2 triệu người tại Idlib.

Việc đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria gia tăng nghi ngờ về tham vọng của Ankara đối với các tỉnh của Syria.

Tuy nhiên, các mục tiêu chiến lược quan trọng đằng sau vẫn tiếp tục. Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn giống như một tổ chức khủng bố và luôn muốn xua đuổi ra khỏi khu vực mà Ankara để mắt tới.

“Móc nối” gắn kết với Nga

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại đóng vai trò là một nhà đàm phán chính cùng với Nga định hình tương lai cho Syria. Moscow có thể gợi mở cho điều đó hoặc bật đèn xanh cho động thái của Ankara vào Syria. Thổ Nhĩ Kỳ hi vọng sức mạnh này có thể kéo Mỹ ra khỏi liên minh với người Kurd và gia tăng sức mạnh đối phó với Iran tại Syria.

“Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ là sự phát triển quan trọng nhất trong xung đột Syria từ khi Nga gia tăng sức mạnh chống lưng cho chính quyền Tổng thống Bashar Assad vào năm 2015”, ông Nicholas Heras, Trung tâm an ninh Mỹ mới ở Washington cho biết.

“Sự duy trì và kiểm soát của Ankara cho thấy, không có giải pháp nào mà không có sự hợp tác của người Thổ Nhĩ Kỳ”, giám đốc dự án tại Iraq, Syria và Lebanon cho biết.

Khu vực này nằm trong chiến thuật mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng hợp tác với phương Tây và liên minh khu vực nhằm đối phó với chính quyền Tổng thống Assad. Tuy nhiên, sau đó, Ankara nhận thấy cần phải bảo vệ an ninh và lo ngại sức mạnh của người Kurd, ý thức cần phải thay đổi chiến thuật. Ankara luôn xem YPG là mối đe dọa hàng đầu và cần phải loại bỏ. Trong khi đó, Mỹ liên tục liên minh với YPG trong cuộc chiến chống khủng bố IS dọc biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các vùng đất nhiều dầu mỏ của Syria.

Vào mùa hè năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch cùng với các tay súng Syria nhằm xua đuổi lực lượng khủng bố IS và YPG ra khỏi vùng đất này.

Thổ Nhĩ Kỳ phải mất hơn 3 tháng chiến đấu nhằm chiếm lấy Al-Bab với hơn 70 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Tuy nhiên, cuộc chiến đã củng cố quan hệ giữa Ankara với Moscow. Ngay ở thời gian đầu tiên, không quân Nga với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng ảnh hưởng vào thị trấn này. Vị trí chiến lược của Al-Bab đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ xua đuổi YPG ra khỏi Afrin. Điều này sẽ đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ về phía Tây Bắc Syria nhưng cũng đưa nó đến gần hơn với quân đội chính phủ.

Thành phố Al-Bab là địa điểm được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt quan tâm và nhiều lần tấn công đánh chiếm. Tuy nhiên chính quyền Ankara liên tiếp thất bại do sự phản kháng dữ dội từ phiến quân khủng bố.

Về phần Mỹ, ngày 4/6, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất về kế hoạch đưa lực lượng người Kurd ra khỏi Manbij – thành phố phía Bắc Syria. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đưa ra bản đồ lộ trình đảm bảo an ninh và ổn định tại Manbij. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ có vẻ mơ hồ và không đưa thêm thông tin chi tiết cho kế hoạch. Một số quan chức Mỹ đã yêu cầu xác nhận thông tin từ Thổ Nhĩ Kỳ và cho biết, thông báo trên khiến họ ngạc nhiên.

Các quan chức Mỹ cho rằng: “Lịch trình cho kế hoạch đã rõ ràng. Chúng tôi vẫn đang thảo luận và cần khoảng 6 tháng nữa.”

Phát ngôn viên chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho rằng, cuộc thảo luận ngày 4/6 cho biết lịch trình cho kế hoạch rời đi của Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd đã thông qua.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/bam-re-tai-bac-syria-tho-nhi-ky-an-dam-nam-de-the-tran-albab-345319.html