Băm nát rừng dừa Bảy Mẫu, Hội An

Việc khai thác du lịch bữa bãi tại rừng dừa nước thuộc xã Cẩm Thanh TP.Hội An đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn, đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Rừng dừa nước Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An rộng 140 ha, nằm giáp 3 con sông Đế Võng, Thu Bồn và sông Hoài ngay khu vực Cửa Đại. Hiện rừng dừa nước Bảy Mẫu có nhiều công ty lữ hành tổ chức cho khách tham quan.

Mô hình phát triển du lịch của rừng dừa Bảy Mẫu đang tạo nên sức ép cho hệ sinh thái cũng như môi trường tại địa phương.

Mô hình phát triển du lịch của rừng dừa Bảy Mẫu đang tạo nên sức ép cho hệ sinh thái cũng như môi trường tại địa phương.

Ô nhiễm tiếng ồn và môi trường

Từ trên thuyền lớn, cách rừng dừa khoảng vài chục mét, du khách được các Cty du lịch đưa xuống thuyền thúng, mỗi thuyền thúng từ 2-3 du khách và một người chèo, len lỏi vào trong rừng dừa cùng những hoạt động biểu diễn lắc thúng chai.

Ngồi trên thúng, ông Đ, người chèo thúng cho biết: “Các chủ doanh nghiệp trang bị dàn âm thanh trên thúng vì cho rằng có nhạc khách mới thích, nhất là khách Hàn Quốc, Trung Quốc. Người chèo thúng vừa chèo vừa lắc lư hát theo nhạc hay vung mái chèo lên… múa. Càng nhiệt tình thì được tiền “bo” càng nhiều. Vào giờ cao điểm có đến hàng chục cái “loa kẹo kéo” mở hết công suất với đủ loại nhạc làm rung chuyển cả rừng dừa”.

Theo các chuyên gia, những chiếc thuyền thúng phục vụ du khách tràn lan tác động mạnh đến khu vực sinh sản của các loài cá biển, cá sông. Còn loa phóng thanh trên mỗi thuyền thúng khiến các loại chim, cò bỏ đi, không về tá túc tại rừng dừa nước. Chưa kể, những người chèo thuyền thúng du lịch ở rừng dừa không chỉ xả rác bữa bãi mà còn vô tư bẻ cành, bứt đọt khiến dừa nước không phát triển.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, vừa rồi thành phố đã có những qui định về việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn và chấn chỉnh tình trạng hoạt động kinh doanh bát nháo tại địa phương. Nhưng trước mắt cũng chỉ là biện pháp giảm bớt, chứ khó để có thể giải quyết triệt để được.

Mô hình phát triển du lịch của rừng dừa Bảy Mẫu đang đi trái với quy trình tự nhiên, phát triển du lịch trước khi phát triển cơ sở hạ tầng đang mang lại nhiều hệ lụy.

“Đặc thù của du lịch rừng dừa là phụ thuộc vào khách hàng, lượng du khách đến đây tham quan đều thích có nhạc để giải trí, vui chơi. Giờ nếu như chính quyền làm ngặt quá thì du khách sẽ không đến nữa, việc hoạt động kinh tế của người dân sẽ gặp khó khăn. Nên địa phương thống nhất sẽ qui hoạch ra khu bờ rìa rừng dừa để giảm thiểu ảnh hưởng đến việc bảo tồn, đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm”- ông Sơn cho biết.

Thiếu phương án phát triển bền vững

Theo thông tin của UBND xã Cẩm Thanh, tại khu vực Rừng dừa Bảy Mẫu có 918 chiếc thúng chai (của khoảng 400 hộ dân thuộc 2 thôn Thanh Tam Đông và Vạn Lăng của xã Cẩm Thanh) và 200 chiếc loa di động phục vụ việc đưa du khách vào tham quan rừng dừa. Trung bình mỗi ngày tại đây đón từ 1.000 -1.500 khách gồm nhiều đoàn đến tham quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng khách đổ về Khu du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu có sự gia tăng, có ngày tăng đến 2.000 người, thậm chí cao hơn, nhất là dịp cuối tuần hay ngày lễ, tết.

Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, rừng dừa hiện nay thực sự đang quá tải. Lượng khách đến đây ngày một đông, hệ thống bãi đỗ xe không thể đáp ứng gây mất trật tự, ảnh hưởng đến giao thông, môi trường và hệ sinh thái của khu vực.

Cũng theo ông Lanh, mô hình phát triển du lịch của rừng dừa Bảy Mẫu hiện đang đi trái với quy trình tự nhiên, phát triển du lịch trước khi phát triển cơ sở hạ tầng đang mang lại nhiều hệ lụy. Việc đón tiếp du khách ồ ạt đã tạo nên sức ép cho hệ sinh thái cũng như môi trường tại địa phương. Hệ thống xử lý nước thải của khu du lịch chưa được triển khai vì phải chờ công trình đường dẫn cầu Cửa Đại hoàn thành, mà các nhà hàng du lịch thì lại không đầu tư hệ thống xử lý đúng qui trình. Vậy thì nước thải sẽ đổ đi đâu?

Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, địa phương đang tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp phá hoại, xâm hại tài nguyên rừng dừa, đặc biệt tại Khu vực di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh). Tiếp theo sẽ tập trung vào các giải pháp, nỗ lực bảo tồn nguyên vẹn rừng dừa này, các hoạt động tuyên truyền trong dân về việc bảo tồn các giá trị của rừng dừa để gắn với phát triển bền vững lâu dài trong tương lai.

“Người dân tuyền truyền và bảo vệ môi trường cũng chính là tự biết bảo vệ công việc đang mang lại hiệu quả kinh tế cho mình” - ông Linh cho biết.

Kỳ 2: Tràn lan công trình không phép tại rừng dừa Bảy Mẫu.

Tuấn Vỹ

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/bam-nat-rung-dua-bay-mau-hoi-an-157480.html