Bấm huyệt chữa ngất

Trong lúc khẩn cấp, không có bác sĩ hoặc bệnh viện ở xa, có thể tiến hành sơ cứu cho người bệnh bị ngất bằng các thao tác sau.

Ngất là trạng thái mất ý thức một cách đột ngột, thoảng qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngất như bị xúc cảm quá mạnh, say nắng, say nóng, chấn thương, mất máu nhiều, thiếu ôxy, mắc bệnh tim mạch… Biểu hiện là người bệnh tự nhiên thấy choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai... rồi ngã ra; có khi toát mồ hôi, da nhợt nhạt, chân tay lạnh. Tuần hoàn và hô hấp ngừng hoặc rất yếu, huyết áp hạ, đồng tử giãn.Tất cả các dấu hiệu trên diễn biến nhanh trong thời gian ngắn rồi bệnh nhân hồi tỉnh.

Trong lúc khẩn cấp, không có bác sĩ hoặc bệnh viện ở xa, có thể tiến hành sơ cứu cho người bệnh bị ngất bằng các thao tác sau:

- Đặt người bệnh nằm ngửa nơi thoáng khí, yên tĩnh, tránh gió lùa rồi nới lỏng quần áo. Người thao tác dùng ngón cái bấm mạnh vào huyệt nhân trung, huyệt ấn đường mỗi huyệt 1 phút. Sau đó dùng ngón cái ấn vào huyệt bách hội, huyệt thái dương mỗi huyệt 1 phút.

- Lật người bệnh nằm sấp: người thao tác dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa day vào huyệt phong trì ở hai bên, làm khoảng 3 phút rồi lại dùng đầu ngón cái ấn vào huyệt thiên tông hai bên khoảng 3 phút.

Bấm huyệt ấn đường.

- Người bệnh nằm sấp hoặc ngồi, người thao tác dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa bóp huyệt kiên tỉnh, làm hết bên trái rồi sang bên phải trong khoảng 3 phút.

- Dùng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa bóp các huyệt hợp cốc, lao cung, thái xung, dũng tuyền, làm lần lượt bên trái rồi bên phải, một mỗi huyệt khoảng 1 phút.

Lưu ý: - Có thể kết hợp cho bệnh nhân ngửi dầu gió, amoniac, dấm, xoa dầu vào huyệt nhân trung.

- Trường hợp nặng, ngoài các biện pháp trên cần hô hấp nhân tạo cho người bệnh như thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực.

Huyệt nhân trung.

Vị trí huyệt:

- Nhân trung: nằm trên đường giữa, tại chỗ tiếp nối 1/3 trên và 2/3 dưới rãnh mũi môi.

- Ấn đường: điểm giữa đường nối hai đầu trong lông mày.

- Bách hội: điểm giữa đường nối vòng hai chóp tai.

- Thái dương: chỗ lõm, giao điểm giữa đường nối đầu ngoài lông mày và khóe mắt mắt, cách khóe mắt 1 tấc.

Huyệt thái xung.

- Phong trì: ở giữa chỗ lõm thẳng phía dưới ụ chẩm và xương chũm

- Kiên tỉnh: tại điểm giữa đường nối đốt sống cổ 7 và mỏm cùng vai.

- Hợp cốc: ngón cái và ngón trỏ kẹp sát nhau, huyệt ở chỗ lồi cao nhất.

- Lao cung: giữa lòng bàn tay, ở kẽ giữa đầu mút ngón tay giữa và ngón đeo nhẫn khi nắm bàn tay.

- Thái xung: ở kẽ ngón chân 1 và 2, cách mép da 2 tấc.

- Dũng tuyền: chỗ lõm trên đường nối 1/3 trước và 1/3 giữa gan bàn chân, tại khe giữa khớp xương bàn chân - ngón chân thứ 2 và 3 khi gấp các ngón chân.

Lương y Đình Thuấn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bam-huyet-chua-ngat-n14397.html