Bám gốc dừa, tiêu diệt máy bay địch

Nhiều lần về huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long công tác, dù bận đến mấy, chúng tôi cũng tranh thủ đến thắp hương trước bức tượng bán thân của ông Ngô Tùng Châu, người đã bắn rơi chiếc máy bay Pháp đầu tiên trên đất Vĩnh Long.

Ngược dòng thời gian, vào ngày 26-2-1949, các tiểu đoàn 307, 308, những đơn vị chủ lực đầu tiên của ta ở Nam Bộ hành quân về xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình, Vĩnh Long) tổ chức đón Tết với đồng bào và chuẩn bị xuất quân. Đến 16 giờ, trong khi chờ đại biểu và nhân dân đến dự, máy bay địch đến ném bom vào khu vực đóng quân của đơn vị. Nhân dân và bộ đội nhanh chóng tạm lánh vào nơi trú ẩn. Biết rõ tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng thời để tránh thiệt hại cho dân, Ban chỉ huy các tiểu đoàn ra lệnh ém quân, giữ nguyên vị trí, không bắn trả. Sau hai đợt ném bom nhưng không gây thiệt hại gì đáng kể cho ta, máy bay địch đã bỏ đi. Một lúc sau, chiếc máy bay trinh sát L-19 của thực dân Pháp xuất hiện, liên tục bay lượn, quan sát.

Bức phù điêu minh họa chiến công bắn rơi máy bay thực dân Pháp của ông Ngô Tùng Châu.

Bức phù điêu minh họa chiến công bắn rơi máy bay thực dân Pháp của ông Ngô Tùng Châu.

Ngay lúc đó, tiểu đội trưởng thuộc tiểu đoàn 308 Ngô Tùng Châu vội chộp lấy khẩu súng FM đầu bạc của một chiến sĩ. Anh bám sát vào gốc dừa lấy mục tiêu, sau mấy lần đón hụt, lần thứ tư, chiếc L-19 bay thấp vào đúng đường ngắm. Ngô Tùng Châu nghiến răng, từ từ siết cò súng, một làn khói đen ngòm tỏa dài về phía sau, chiếc máy bay của địch lắc lư, lảo đảo, bốc cháy, chúi xuống chợ Tam Bình. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị ta bắn rơi ở Vĩnh Long trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khiến buổi lễ xuất quân của bộ đội ta thêm tưng bừng khí thế. Để ghi lại chiến công này và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, huyện Tam Bình đã đầu tư xây dựng công viên và tượng đài Ngô Tùng Châu tại trung tâm văn hóa huyện. Công trình được khánh thành vào ngày 12-1-2012.

Tượng ông Ngô Tùng Châu tại Trung tâm văn hóa huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Văn Phải, 78 tuổi, trú tại thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình đề xuất: “Cần có nhiều hơn các biện pháp tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về thân thế, chiến công của ông Ngô Tùng Châu cũng như LLVT tỉnh Vĩnh Long. Đây là việc cần thiết và công bằng với lịch sử, cũng là cách để quảng bá hình ảnh vùng đất cách mạng Tam Bình”.

Bài và ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/bam-goc-dua-tieu-diet-may-bay-dich-649178