Bám bản vận động học sinh đến trường

Chúng tôi về thăm Trường Tiểu học & THCS Zà Hung, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Tại ngôi trường mới khang trang này, các thầy, cô giáo vẫn đang bận bịu, uốn nắn từng con chữ, bài toán cho các em học sinh là con em các đồng bào dân tộc thiểu số. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Phan Thị Thiện chia sẻ rằng, quê cô ở huyện Đại Lộc. Cô học nghề sư phạm tốt nghiệp ra trường và lên dạy cho các em ở miền núi Đông Giang này đã được 10 năm rồi.

“Dạy học trên này dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn hơn so với dưới đồng bằng. Song đổi lại, các em học sinh trên này rất ngoan, hiền và yêu quý thầy cô lắm. Ở đây, vào mỗi dịp lễ, Tết hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy cô giáo thường nhận quà từ các em và phụ huynh chỉ là nhánh hoa rừng, một ít sản vật địa phương như rau dớn, chuối rừng… nhưng ai cũng thấy hạnh phúc và ấm cúng với tình cảm mà học sinh và phụ huynh dành tặng cho mình”, cô Thiện bày tỏ.

Theo cô Thiện, để đảm bảo học sinh đi học đều đặn, cô và các đồng nghiệp thường đến từng nhà các em để thăm hỏi, động viên phụ huynh cho con mình đến lớp. Nhiều hôm có em không đi học, ở nhà lên rẫy với cha mẹ thì giáo viên phải lên tận rẫy để đưa các em về đến trường học…

Cô giáo Phan Thị Thiện luôn tận tình với học sinh.

Cô giáo Phan Thị Thiện luôn tận tình với học sinh.

Thầy giáo Hồ Văn Khẩn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Zà Hung, cho biết, năm học 2019-2020, toàn trường có 7 lớp, với 144 học sinh bậc Tiểu học; 4 lớp, 135 học sinh bậc THCS hầu hết là người đồng bào Cơ Tu.

Để đảm bảo các em đến trường đều đặn, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đến từng nhà động viên gia đình đưa con, em đi học hằng ngày. Với những gia đình nào khó khăn trong việc đưa con đến trường, các thầy cô giáo sẽ phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tiếp cận để tuyên truyền, vận động, nhờ đó mang lại hiệu quả rất thiết thực.

“Với đặc điểm các em học sinh người đồng bào Cơ Tu trên này khá nhút nhát nên các thầy cô phải vừa dạy, vừa dỗ các em, chứ không thì các em dễ giận dỗi rồi bỏ học lắm. Toàn trường hiện có 20 cán bộ giáo viên, trong đó có 14 người là đồng bào Cơ Tu, nhờ đó mà việc tiếp cận gia đình học sinh và tận dụng các già làng uy tín để động viên phụ huynh đưa học sinh đến trường gặp nhiều thuận lợi hơn. Vì các giáo viên người địa phương am hiểu phong tục của người Cơ Tu hơn”, thầy Khẩn giải thích thêm.

Ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Giang, nhận xét, nhờ làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp mà năm học 2019-2020, trên địa bàn huyện có 100% học sinh 5 tuổi được đến trường học Mẫu giáo; 100% học sinh 6 tuổi vào lớp 1.

Toàn huyện Đông Giang năm học này có 68 lớp, với 1.609 học sinh mẫu giáo; bậc Tiểu học có 129 lớp, 2.685 học sinh; bậc THCS có 58 lớp, 1.866 học sinh. Đây thực sự là kết quả đáng mừng trong công tác giáo dục đối với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như huyện Đông Giang.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/bam-ban-van-dong-hoc-sinh-den-truong-570810/