Bám bản, bám dân, góp bình yên nơi biên thùy

Nhằm chủ động trước mọi tình huống, thời gian qua, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Xín Mần (Hà Giang) đã không ngừng bám bản, bám dân góp thêm yên bình cho cuộc sống người dân.

Xín Mần là huyện có đường biên kéo dài của tỉnh Hà Giang. Địa hình hiểm trở, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trình độ dân trí của một bộ phận bà con các chòm bản còn hạn chế, rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo, gây mất an ninh trật tự (ANTT). Nhằm chủ động trước mọi tình huống, thời gian qua, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Xín Mần đã không ngừng bám bản, bám dân góp thêm yên bình cho cuộc sống người dân.

Ngày thứ bảy với con đường "Đại đoàn kết"

Thứ bảy, như thường lệ, các cán bộ, đoàn viên thanh niên Công an huyện Xín Mần có mặt tại trụ sở từ tinh mơ. Đại úy Lục Xuân Thành, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp tất bật với công tác rà soát danh sách các cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn giúp dân xây dựng nông thôn mới lần này một lượt.

Xín Mần là huyện có 18 xã và 1 thị trấn, với 30km đường biên, ¾ diện tích đồi núi, thời tiết không thuận lợi, mưa lũ, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế địa phương cũng như việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Công an huyện, "chung tay cùng bà con xây dựng nông thôn mới" đã trở thành hoạt động trọng tâm, xuyên suốt của cán bộ chiến sĩ, nhất là tuổi trẻ trong Công an huyện.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Xín Mần giúp bà con xã làm đường liên thôn.

Năm 2017, Xín Mần là xã vùng biên được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Con đường đất liên thôn dẫn đến trung tâm xã Xín Mần vốn nhầy nhụa vào mùa mưa nhanh chóng được hơn 30 cán bộ chiến sĩ Công an huyện cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ, người dân trên địa bàn sử dụng cuốc xẻng phát quang, san bằng.

Ông Thèn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Xín Mần phấn khởi bảo, nhờ cán bộ chiến sĩ Công an huyện và các cấp, các ngành, nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã được hoàn thành trước tiến độ, trong đó có tiêu chí bê tông hóa đường liên thôn, liên bản. "Thay mặt cấp ủy, chính quyền địa phương, cám ơn cán bộ nhiều lắm. Cán bộ đã giúp bà con đi lại dễ dàng hơn, không còn sợ mưa xuống nữa", Bí thư Đảng ủy xã Xín Mần nói.

Thượng tá Lương Xuân Nghiêm, Phó trưởng Công an huyện Xín Mần chia sẻ, không riêng gì xã Xín Mần, thời gian qua, thực hiện cuộc vận động "Ngày thứ bảy hướng về cơ sở" và Quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy Xín Mần về việc phân công các cơ quan, ban ngành, lực lượng vũ trang phụ trách các thôn trong việc đăng ký hoàn thành chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018, Công an huyện đã phân công cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia làm đường "Đại đoàn kết" tại các xã Chế Là, Tả Nhìu…

11 lượt với 238 ngày công. Cụ thể, tại thôn Dìn Thàng (xã Chế Là) được 1 ngày/18 ngày công; thôn Cốc Chứ (xã Chế Là) được 2 ngày/20 ngày công; hỗ trợ Công an viên có điều kiện khó khăn xây dựng nhà với 2 ngày/20 ngày công và 20 triệu đồng v...v.. Nhiều con đường liên thôn, dẫn từ các thôn - bản đến trung tâm xã được phát quang, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Công an huyện Xín Mần tăng cường tuyên truyền pháp luật tới bà con các chòm bản.

"3 cùng" với bà con

Xín Mần là huyện cực Tây, thuộc diện nghèo khó nhất của tỉnh Hà Giang. Từ thành phố Hà Giang, để lên được đây, các phương tiện ôtô phải mất gần 5 giờ đồng hồ đi đường bởi đường đèo quanh co, "ổ trâu", "ổ voi" nối nhau xuất hiện. Có những địa bàn nằm cách xa trung tâm huyện đến cả buổi đi đường như xã: Xín Mần, Chế Là, Nà Trì, Tả Nhìu. Địa hình chia cắt, đời sống kinh tế của bà con các dân tộc Mông, Dao, Nùng ở huyện Xín Mần còn nhiều khó khăn, nên công tác "3 cùng" với người dân của Công an "cắm bản" đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Do đường vắt núi, nhiều đoạn bị sạt lở, nên từ thị trấn Cốc Pài - trung tâm huyện, để lên được xã Bản Ngò, Quảng Nguyên, Nà Trì… chúng tôi phải tăng bo trên chiếc xe máy đặc chủng của Đại úy Triệu Vàn Chiêm, Phó Đội trưởng Đội Công an Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự (Công an huyện Xín Mần).

Đi trên con đường khúc khuỷu, nằm vắt ngang các đỉnh núi có độ cao 1.200-1.400m so với mực nước biển dẫn qua các chòm bản, chúng tôi thêm thấy được cuộc sống khó khăn, vất vả mà bà con các chòm bản đang gặp phải trong thời gian qua.

Đại úy Triệu Vàn Chiêm bảo rằng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trong khi đó trình độ dân trí của phần đông bà con còn hạn chế, nên đây là "điểm yếu" mà các đối tượng xấu thường nhắm đến để lôi kéo, kích động gây mất ANTT trên địa bàn. Do vậy, thường xuyên bám bản, bám dân, phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật tới bà con góp phần quan trọng vào việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

9h30, cô giáo Đào Thị Hơn cho các em học sinh lớp ghép "2+1" ở thôn Bản Ngò (xã Bản Ngò) nghỉ giữa giờ. Thấy Đại úy Triệu Vàn Chiêm cùng chúng tôi tới thăm điểm trường, cô giáo Hơn mừng vui kể: "Tình hình ANTT có đảm bảo, các gia đình mới yên tâm cho con em mình đến lớp. Ngày trước, đồng chí Chiêm còn cùng chúng tôi đến tận các gia đình vận động bà con đưa các em học sinh đến trường nữa cơ. Giờ học sinh đến lớp đông, đủ lắm!".

Với các địa bàn vùng cao như Xín Mần, thì công tác dân vận rất quan trọng. Để công tác này đem lại hiệu quả cao, cán bộ Công an "cắm bản" phải thường xuyên gắn bó với bà con. Hơn 10 năm làm công tác phụ trách xã, nên với Đại úy Chiêm, các chòm bản ở đây dường như đã trở thành quê hương thứ 2 của mình vậy. Anh nói thông thạo tiếng bà con người Mông, người Dao và cả người Nùng đang sinh sống trên địa bàn.

Đại úy Chiêm tâm sự: "Phụ trách xã mà không nghe, nói được tiếng của bà con thì sao được. Bà con đã tin yêu mình rồi, thì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới bà con mới cho kết quả được chứ".

Đại úy Triệu Vàn Chiêm nhớ như in mọi kỷ niệm. Cuối tháng 12-2016, một số người sinh sống ở thôn Sung Lẳm (xã Cốc Rế) bỗng dưng bị ốm, không thể lên nương làm rẫy. Trong thôn lúc này xuất hiện thông tin cho rằng: "Người dân mắc bệnh là do con "ma gà" của nhà bà H.T.H ở cùng thôn thả ra".

Nghe vậy, nhiều người tin và kéo đến nhà bà H la ó, ném đá vào nhà, khiến bà H cùng người thân không dám ra đường. Nhận được tin báo, Đại úy Chiêm (khi đó đang phụ trách xã Cốc Rế) trực tiếp xuống địa bàn, tới từng hộ gia đình trong thôn tuyên truyền, để bà con hiểu nguyên nhân của vụ việc và việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Thấy cán bộ Công an "cắm bản" nói có tình, có lý, nên bà con sau đó hiểu thì ra vấn đề. Không có con "ma gà" nào cả, mà người thân mình chỉ bị cảm cúm thông thường.

Nhờ công tác dân vận khéo, bà con tích cực tham gia tố giác tội phạm, nhiều vụ án nhanh chóng được làm rõ. Vụ án người mẹ sát hại 3 con ở xã Quảng Nguyên là vụ án điển hình. Sáng 16-8-2016, Công an huyện Xín Mần nhận được tin báo của người dân về việc ở thôn Quang Minh (xã Quảng Nguyên) xảy ra một vụ án, 3 cháu nhỏ: Triệu Mùi Mụi, Triệu Văn Chòi và Triệu Thị Huệ bị sát hại. Nhờ tin báo kịp thời từ bà con, cơ quan CSĐT sau đó nhanh chóng làm rõ đối tượng gây án chính là Phàn Mùi Mấy (27 tuổi), mẹ của 3 cháu nhỏ. Nguyên nhân dẫn tới vụ án không gì khác chính là do mâu thuẫn trong gia đình.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều vụ án nhanh chóng được cơ quan CSĐT làm rõ.

Phát huy hiệu quả các mô hình đảm bảo ANTT

Trao đổi với PV Chuyên đề CSTC, Thượng tá Lương Xuân Nghiêm, Phó trưởng Công an huyện Xín Mần vui mừng cho hay, những năm qua, nhờ bám bản, bám dân, chủ động trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (TTATXH) luôn được giữ vững ổn định, không để xuất hiện "điểm nóng" về ANTT trên địa bàn.

Đây là điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm lao động sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nhiều mô hình, tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, giữ gìn TTATXH đã được hình thành, phát huy hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 99 mô hình tự quản, mô hình phòng chống tội phạm, mô hình cổng trường an toàn về ANTT với 495 thành viên tham gia đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, xác định rõ vai trò của công tác hòa giải trong việc giữ gìn ANTT ở các thôn, bản, nên trong năm 2018, Công an huyện tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng và duy trì 187 tổ hòa giải với 1.292 thành viên hoạt động trên khắp các xã, thị trấn thuộc huyện.

Thông qua các mô hình tự quản, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, quần chúng nhân dân đã tham gia tố giác có 15 vụ với 29 đối tượng phạm pháp hình sự.

Trần Huy

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/bam-ban-bam-dan-gop-binh-yen-noi-bien-thuy-513581/