'Balo trên thảm đỏ': Thôi thúc hành trình tuổi thanh xuân

'Balo trên thảm đỏ' là một hành trình thanh xuân của anh chàng từ những ngày tháng lang bạt trên thảm đỏ với nghề báo cho tới một người 'thất nghiệp'. Đến với nghề báo và rời nghề báo vì một đam mê là đi, luôn luôn đi để thử thách và làm mới mình. Chọn cho mình một kỳ nghỉ phép dài vô tận ở tuổi 29 và khoác balo trên 'thảm đỏ' khác, thảm đỏ của tuổi trẻ, anh trở lại với đi và viết để làm mới mình, cho mình cơ hội trưởng thành hơn.

Kết hợp giữa tạp bút và tản văn, 320 trang sách nói về văn hóa đại chúng (pop culture), tuổi trẻ và những chuyến đi dưới góc nhìn của một 8x đã đi trên hành trình lang bạt của mình. Sự thay đổi của văn hóa đại chúng, truyền thông và sức ảnh hưởng của mạng xã hội qua một thập kỷ được thể hiện qua cách sống quen thuộc của giới trẻ thế giới hiện đại: không ngừng mơ ước và không ngừng đi... Thế nên, Nguyên Minh (Nick M) muốn viết lại những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ mà anh có được vì đơn giản, viết chính là cách dễ nhất để lưu lại kỷ niệm.

PV: Thưa anh, “Balo trên thảm đỏ” là một cuốn sách anh viết để trả nợ thanh xuân. Anh có thể chia sẻ thêm về năm tháng thanh xuân của mình?

Tác giả Nguyên Minh: Thanh xuân của tôi có một điều may mắn, được trải nghiệm rất nhiều thứ ở nhiều nơi với đam mê là du lịch. Thế nên tư duy và góc nhìn của tôi có nhiều thứ thay đổi, không còn rập khuôn trong tư tưởng rằng thế hệ cũ khi ra trường và đi làm với công việc ổn định, lập gia đình, cuộc sống xoay quanh việc kiếm tiền. Với cá nhân tôi, tôi tự thấy những trải nghiệm ở tuổi thanh xuân sẽ thú vị và khác hơn khi mình đã giàu và già, vì tôi chẳng biết khi nào mình mới giàu.

Tuổi thanh xuân như một cục pin đầy, nếu mình không dùng hay dùng một chút mà lại sạc thì sớm muộn cũng bị chai. Mình phải tận dụng hết tối đa năng lượng đó. Trên thảm đỏ, tôi dùng “cục pin thanh xuân” ấy để đi, gặp và viết, rèn luyện kỹ năng làm báo của mình. Nhưng để ổn định thì tôi xác định ngay từ đầu đây không phải là thứ cuối cùng cho mình mà chỉ nghĩ là thử sức mình trong vòng 1, 2 năm xem sức mình như nào. Chữ “duyên” đã cho tôi gắn bó với nghề 10 năm.

Nghề báo cho tôi cách lưu giữ lại tuổi trẻ của mình bằng “viết” để sau này trí nhớ không còn được minh mẫn nữa thì đọc lại những thứ ấy sẽ thấy mình có một tuổi trẻ xứng đáng của thanh xuân, không có gì phải hối tiếc. Và cứ thế viết-chụp-gặp gỡ chính là thanh xuân đẹp mà tôi có được.

PV: Anh đã sắp xếp hành trình của mình như thế nào trong cuốn sách này?

Tôi bắt đầu làm cuốn sách này từ 4 năm trước, khi bắt đầu có những trải nghiệm đầu tiên và muốn được lưu giữ niềm đam mê của mình được mãi về sau. Ban đầu nó chỉ là một cuốn sách tổng hợp lại những bài viết cũ. Nhưng sau đó tôi không hài lòng, bởi vì đấy là trải nghiệm của cá nhân mình chứ không gần gũi với độc giả. Tôi đã quyết định làm lại nội dung từ đầu và sử dụng phần cũ chỉ 30%, còn 70% là viết mới hoàn toàn, phải có mở đầu và kết thúc. Sách gồm 5 phần là: Viết, Xem, Đi, Gặp, Rồi lại Viết...Trong đó “Viết” là quan trọng nhất vì viết đã là cái nghiệp mình chọn rồi.

PV: Anh có thể chia sẻ thêm về hai hình ảnh: Balo và thảm đỏ

Nhiều người nghĩ rằng hai hình ảnh này không liên quan cho lắm. Trong khi thảm đỏ gắn liền với ánh đèn flash hào nhoáng, các ngôi sao, các chính khách trong những bộ đồ lộng lẫy. Còn nghĩ tới balo thì người ta nghĩ đến những chuyến đi. Với công việc nghề báo thì hình ảnh quen thuộc nhất khi phóng viên bước lên thảm đỏ là vai khoác balo, cổ đeo máy ảnh và tay cầm giấy bút để tác nghiệp.

Nhờ công việc viết đã đưa tôi đến những cuộc gặp gỡ nhiều cảm hứng với Elly Trần, Phi Thanh Vân, Whitney Houston, Linking Park hay “ông hoàng thảm đỏ” Tom Cruise…. Balo và thảm đỏ gắn kết với nhau là như vậy.

Đặc biệt, thảm đỏ ở đây còn chính là lựa chọn của tuổi thanh xuân, do chính mình trải ra cho mình. Mỗi người sẽ có những thảm đỏ với đích đến khác nhau, còn với tôi thì thảm đỏ chính là chuyến đi để bước ra thế giới. Ở tuổi 20, tôi chọn thảm đỏ của nghề báo, còn ở tuổi 30 thì tôi đang trải thảm đỏ khác để tuổi trẻ của tôi không ngừng lại. Tôi đặt ra mốc thời gian cho mình đổi mới, có thể là 3 năm, 5 năm hay 10 năm gì đó.

PV: Có khi nào chiếc balo nặng quá khiến anh muốn bỏ xuống?

Sau 10 năm gắn với nghề báo thì tôi tự nhận thấy rằng nghề báo cho mình rất nhiều thứ, cho mình được tự do và phóng khoáng. Nhưng đến một lúc thì tự thấy bản thân mình sẽ thấy mình cũ và phải thay đổi, cần một môi trường mới để vùng vẫy, thỏa sức hơn. Nhất là khi báo chí sẽ thay đổi theo từng giai đoạn, có giai đoạn mình thấy sống chung được với nó, lại có giai đoạn mình thấy mình không viết được cái gì cả. Khi mình không còn tâm huyết hay ý tưởng mới thì chắc chắn mình phải dừng để tìm sự mới mẻ cho bản thân. Chính những lúc như thế là tôi muốn đặt chiếc balo của mình xuống.

Tuy nhiên, chỉ là đặt xuống chứ không phải bỏ đi. Cục pin khi sắp hết thì mình cần phải sạc thôi, lúc ấy chọn một lối đi mới. Cũng như tôi quyết định nghỉ công việc ở một tòa soạn nhưng không nghỉ hẳn mà là vẫn viết nhưng tự tạo cho mình khoảng thời gian riêng.

Một điều nữa là tôi cân nhắc chọn thời điểm để đặt balo của mình xuống. Tôi đã đạt được nhiều chuyến đi sau 6 năm với khoảng 3.000 cuộc phỏng vấn nên tôi muốn tận dụng nền tảng này cho một thảm đỏ mới. Tôi cũng không phải tuýp người thích ổn định nên muốn đổi mới mình ở tuổi 29, mấp mé cột mốc 30. Tôi cho rằng đây là quyết định đúng đắn! Thật may, ở tuổi 30 tôi đã ra được 3 cuốn sách và “Balo trên thảm đỏ” là một trong số đó.

PV: Trong cuốn sách, anh muốn nhắn gửi gì tới những bạn trẻ làm báo nói riêng và những người trẻ nói chung?

Với những bạn trẻ làm báo nói riêng thì nên mạnh dạn và làm báo có tâm, hết sức tâm huyết khi mình đã chọn cống hiến vào bất cứ việc gì, chứ không phải vì lí do nào bên ngoài hay mục đích cá nhân.

Còn với những bạn trẻ nói chung thì khuyến khích các bạn càng đi nhiều thì tư duy và góc nhìn sẽ càng thay đổi, càng viết thì mình sẽ lưu giữ lại được càng nhiều ký ức, đặc biệt là những năm tháng thanh xuân vô giá.

Nhà báo Nguyên Minh còn được biết đến với vai trò là chủ biên của cuốn sách "1987", cuốn sách từng gây sốt khi xuất bản năm 2017. Đầu năm 2018, cũng với vai trò chủ biên, cuốn sách thứ hai của Nguyễn Minh Ngọc là "1987+" cũng đã ra mắt và được đông đảo độc giả đón nhận.

"Balo trên thảm đỏ" là cuốn sách thứ 3 của tác giả sinh năm 1987 này.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/balo-tren-tham-do-thoi-thuc-hanh-trinh-tuoi-thanh-xuan/793867.antd