Bài viết có giá trị cao về lý luận và thực tiễn, diễn đạt sắc bén, cụ thể và thuyết phục

Đọc và suy ngẫm về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy nội dung bài viết có nội hàm rộng lớn, phong phú cả về lý luận và thực tiễn nhưng lại được diễn đạt rất cụ thể, dễ hiểu và hàm chứa cả sự khiêm tốn của tác giả: 'Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin đề cập một số khía cạnh từ góc nhìn thực tiễn của Việt Nam'.

Chính vì đứng trên tinh thần khiêm tốn của một người Cộng sản chân chính mà cách diễn đạt của bài viết rất trong sáng, dễ hiểu khi đề cập đến một vấn đề rất lớn của đời sống chính trị Việt Nam hiện nay. Đó là trả lời mấy câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội (CNXH) là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN)? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?

Nội dung bài viết rất rộng và bao trùm, với suy nghĩ của mình, tôi có được những cảm nhận như sau:

Thứ nhất, bài viết khẳng định sự lựa chọn con đường XHCN của Đảng và nhân dân ta là hết sức đúng đắn.

Thực tiễn Việt Nam cho thấy “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, tr.9). Chính vì đi theo con đường CNXH mà dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi vẻ vang, vững bước đi theo con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn. Sự lựa chọn đúng đắn đó được tác giả bài viết luận chứng một cách hết sức thuyết phục qua những minh chứng cụ thể là thực tiễn của xã hội hiện đại ở các quốc gia tư bản phát triển; mặc dù chủ nghĩa tư bản có những bước tiến, đóng góp to lớn cho lịch sử nhân loại nhưng đó không phải là mục tiêu mà nhân loại hướng tới, bởi chính chủ nghĩa tư bản đã chứa trong nó những khuyết tật mà bản thân nó, dù có điều chỉnh, tìm cách hạn chế cũng không thể nào khắc phục được. Đó là do bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa dựa trên sự bóc lột, sự tước đoạt tự nhiên, sự duy trì bất bình đẳng xã hội với khoảng cách ngày càng rộng dẫn đến những mâu thuẫn trong xã hội ngày càng lan rộng. Đó không thể là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, từ những trăn trở trong xã hội cũng như lời giải đáp của Tổng Bí thư về nội dung: Ngày nay làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam là điều tôi rất tâm đắc.

Chứng minh quan điểm lựa chọn mục tiêu xây dựng CNXH là đúng đắn, Tổng Bí thư khẳng định: Quá trình xây dựng CNXH của nước ta, nhất là trong 35 năm Đổi mới, mặc dù còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết, nhưng thành tựu là to lớn, có ý nghĩa lịch sử khá toàn diện. Thành tựu đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến các lĩnh vực khác. Điều này phản ánh niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ, vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Thứ ba, trong xây dựng CNXH ở Việt Nam cần phải khắc phục và loại bỏ một số quan niệm đơn giản trước đây như: Đồng nhất mục tiêu cuối cùng của CNXH với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản... Những nhận định trên là minh chứng hùng hồn cho sự thay đổi nhận thức của Đảng ta về CNXH đồng thời cũng là yêu cầu trong nghiên cứu lý luận hiện nay. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: Coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận vì thực tiễn chính là thước đo của chân lý.

Thứ tư, trong xây dựng CNXH cần hiểu đúng mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Chính vì đặt nhân dân vào vị trí trung tâm nên trong xây dựng CNXH cần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xác định tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.

Thứ năm, xây dựng CNXH là một thời kỳ lâu dài nên cần nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ XHCN.

Trong hệ thống chính trị, Đảng là một bộ phận trong hệ thống đó. Đảng là lực lượng lãnh đạo, là hạt nhân, chịu trách nhiệm trước giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc thực hiện sứ mệnh lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị ấy. Là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam nên Đảng phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với sự chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc và luôn nhất quán quan điểm: Dựa vào dân để xây dựng Đảng; sức mạnh của Đảng là bắt nguồn từ mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực triển khai đưa Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bài viết của Tổng Bí thư có tính định hướng quan trọng để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.

PGS, TSLÊ VĂN CƯỜNG, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-viet-co-gia-tri-cao-ve-ly-luan-va-thuc-tien-dien-dat-sac-ben-cu-the-va-thuyet-phuc-660154