Bài văn tiểu học tả về bố chỉ đạt 3 điểm, cô giáo có lời phê gây chú ý
Những bài văn của học sinh tiểu học luôn khiến người lớn thích thú và luôn mong muốn được đón đọc. Bởi lẽ, 'trẻ con thì không biết nói dối', do vậy, ở những bài văn ấy vừa có sự ngây ngô trong câu từ, vừa chân thật đến từng chi tiết. Bài văn tả về bố của em học sinh lớp 5 dưới đây là một điển hình!
Với đề bài đơn giản "Hãy tả về bố của em", em học sinh đã viết ra những gì mình từng chứng kiến và những suy nghĩ ngô nghê nhưng hết sức chân thật.
Nguyên văn bài viết này như sau: "Nhà em có nuôi ông một ông bố. Hằng ngày, bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên, còn bảo đợi bố tí. Lúc ăn cơm xong, cả gia đình cùng dọn, bố chẳng dọn rồi lấy điện thoại chơi game. Em bé thế còn phải đút xoài cho bố. Từ nay em không làm osin nữa. Em rất yêu bố vừa vừa chứ không yêu lắm".
Có thể thấy, bài văn trên với những lời lẽ hết sức ngây ngô, "bóc phốt" bố không chút tiếc thương. Thế nhưng, qua bài văn này, ai cũng cảm nhận được sự chân thật của em học sinh này. Có lẽ, thường ngày em học sinh rất thích quan sát và để ý các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, ai như thế nào, em đều ghi nhớ và tả lại chi tiết trong bài văn của mình.
Cũng vì những lời lẽ ngây ngô này, cô giáo chỉ chấm cho em học sinh này 3 điểm kèm lời phê "Xem lại cách dùng từ cho phù hợp.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng lại tỏ ra khá thích thú với bài văn ngắn này, đơn giản vì ở đó dân tình thấy một bài văn được viết ra từ suy nghĩ và nhìn nhận thực tế của một em học sinh lớp 5. Bài văn không hề rập khuôn, do đó, cư dân mạng ủng hộ lối tư duy này của các bạn nhỏ.
"Sao lại cho 3 điểm, trẻ con nói thật tả thật mà, ít nhất cũng phải cho 6 điểm chứ ( hệ 10 điểm, nếu chấm hệ 5 điểm thì ok)"
"Mình rất thích bài văn này, bởi đọc lên là thấy chân thật, nên khuyến khích trẻ được nói những điều mà trẻ quan sát được, vậy mới rèn được tính thật thà"
"Cô giáo chấm 3 điểm thì hơi khắt khe rồi, phải ủng hộ tư duy của con trẻ chứ. Cháu bé mới tiểu học không nên ép con viết những lời văn quá rập khuôn", là những bình luận mà cư dân mạng để lại.
Bên cạnh những bàn luận của cư dân mạng nói trên, nhiều người cũng thắc mắc rằng, liệu ông bố sau khi đọc được bài văn này của con, sẽ có cảm xúc và suy nghĩ như thế nào đây? Liệu anh có thay đổi những thói quen xấu nói trên để con nhìn nhận lại và học tập được từ bố nhiều hơn?
Trên thực tế, trẻ con là lứa tuổi thích quan sát, để ý và hay bắt chước. Chính vì thế, hành động và lời nói thường ngày của các thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến thói quen của con trẻ. Do vậy, muốn con trẻ trở thành một đứa bé ngoan ngoãn và thông minh, phụ huynh cần chú ý những lời nói và hành động của mình. Từ đó, noi gương để trẻ con học tập và làm theo.