Bài văn 9,75 điểm và những điều đặc biệt

Những thí sinh thủ khoa môn Văn năm nay đã làm bài như thế nào, họ nghĩ và viết những gì với đề văn đầy đổi mới lần này, hoàn cảnh gia đình của các em ra sao? Hãy cùng PV Tiền Phong gặp gỡ hai trong số các thí sinh đạt điểm 9,75 môn Ngữ văn năm nay.

Hoàng Văn San, học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ).

Hãy đánh thức tiềm lực con người

Hoàng Văn San, học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) là thí sinh có điểm thi Ngữ văn cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay với 9,75 điểm. Tuy nhiên, với thầy cô và bạn bè lớp chuyên Văn, ở ngôi trường chuyên đất Tổ không ai ngạc nhiên, bởi San vốn là học sinh giỏi Văn. Có khiếu chữ nghĩa, năm 2017 - 2018, cậu ẵm giải Nhất học sinh giỏi tỉnh, giải 3 học sinh giỏi Văn quốc gia.

San chia sẻ: Khi đọc đề, em rất hào hứng, cảm thấy đây là “mảnh đất màu mỡ” để mình khai thác. Nhiều hình ảnh thực tế trong đời sống nhảy múa, em sợ không đủ thời gian để viết. Vì vậy, đọc đề xong, em viết một mạch 8 trang giấy.

Ở câu 4, phần đọc hiểu đề bài hỏi quan điểm về hai câu thơ Ta ca hát quá nhiều tiềm lực/ Tiềm lực có còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay hay không và phần yêu cầu viết đoạn văn về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước. Ở phần này, San đã chọn khai thác về tiềm lực con người chính là một dạng “tài nguyên” của đất nước. Lấy dẫn chứng từ thắng lợi của đội tuyển U23, câu chuyện bằng nghị lực anh em diễn viên xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp đã gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi Britain’s Got Talent... San khẳng định, tiềm lực con người có thể làm rạng danh đất nước trên đấu trường quốc tế ở tất cả các lĩnh vực. Nghị lực, dũng khí của mỗi cá nhân chính là những điều tốt đẹp, đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi con người.

San sinh ra trong một gia đình làm nông ở tỉnh Phú Thọ. Ông Hoàng Văn Sơn, bố San cho biết, gia đình làm nông đời sống khó khăn nên thi thoảng ông đi phụ hồ, làm thuê để kiếm tiền cho con ăn học. Tuy nhiên, khi biết con trai thi đỗ điểm cao, ông chia sẻ: “Dù chặng đường ÐH trước mắt còn dài nhưng ông sẽ cố gắng làm lụng để cho con học đến cùng”.

San là một chàng trai nhẹ nhàng, yêu thích môn Văn từ nhỏ. San cũng cho rằng, đề thi môn Ngữ văn năm nay dù nhiều người cho là khó nhưng em lại thấy hay, có đất cho thí sinh giỏi sáng tạo, phân hóa cao. Ví như đề thi năm 2017, thí sinh điểm Văn cao nhất Phú Thọ chỉ đạt 9,25 điểm, là học sinh ở trường THPT không chuyên. Có nghĩa đề yêu cầu kiến thức cơ bản nên học sinh chỉ cần làm cơ bản cũng đạt mức điểm cao nhất, trong khi học sinh giỏi không có đất dụng võ. Nguyên tắc học Văn của San là đọc nhiều, quan sát nhiều, suy nghĩ nhiều và khi làm bài phải liên hệ nhiều câu chuyện, hình ảnh có sự ảnh hưởng lớn trong thực tế để minh chứng.

San mơ ước, sẽ trở thành sinh viên Khoa Ðông phương học, Trường ÐH KHXH&NV Hà Nội.

“Học giỏi để mẹ vui, quên đau đớn bệnh tật”

Nguyễn Quốc Thạch (học sinh lớp 12/2 trường THPT Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam) và mẹ.

Nỗ lực học tập là cách mà Nguyễn Quốc Thạch (học sinh lớp 12/2 trường THPT Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam) chọn để giúp mẹ được vui, vượt qua bạo bệnh, thay đổi nghịch cảnh, đồng thời để bản thân “chạm” đến giấc mơ được trở thành người thầy đứng trên bục giảng, truyền dạy kiến thức bổ ích.

Nguyễn Quốc Thạch là thí sinh có điểm môn Văn cao nhất tại Quảng Nam (9,75 điểm) trong kỳ thi THPT Quốc gia. Ngoài điểm cao môn Văn, tại kỳ thi THPT quốc gia này, nam sinh đạt 9 điểm môn Lịch sử, môn Anh văn 8,2 điểm.

Ngôi nhà cậu học trò nghèo Nguyễn Quốc Thạch (Khối phố 5, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) hôm nay rộn rã tiếng cười, lời chúc mừng của bạn bè, hàng xóm. Thạch đang trở thành tấm gương về nghị lực vượt khó học giỏi.

“Em cũng không có bí kíp gì nhiều, chỉ học tập trung. Buổi sáng cố gắng dậy thật sớm, thường là 4h ngồi vào bàn học, còn buổi tối sẽ đi ngủ trước 23 giờ” -Thạch chia sẻ.

Bố làm thuê, mẹ làm thợ may chật vật nuôi 2 anh em Thạch ăn học. Tuy nhiên từ 3 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (mẹ Thạch) mắc bệnh u bàng quang, gia đình vay nợ chạy chữa khắp nơi. Vì thế, ngoài thời gian học bài, Thạch tranh thủ giúp bố mẹ việc nhà, gần như không có thời gian rảnh để chơi.

Nam sinh chia sẻ ước mơ sau này trở thành giáo viên môn Tiếng Anh.

Nguyễn Hà - Hoài Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/bai-van-975-diem-va-nhung-dieu-dac-biet-1299438.tpo