Bài trừ tham nhũng và vai trò của bộ máy nhà nước

Thông tin nóng nhất và được dư luận đang quan tâm nhất là việc Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về những khuất tất trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG và việc bắt nguyên Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa - người bảo kê cho đường dây đánh bạc, rửa tiền cực lớn. Đã có 74 người bị khởi tố, rất nhiều người trong số đó bị bắt tạm giam. Những diễn biến nóng bỏng đó là kết quả thực hiện chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tính đến nay, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã ra thông cáo đến 23 kỳ họp. Kèm theo đó là danh tính, hành vi sai phạm, quyết định kỷ luật hoặc đề nghị xử lý các quan chức các cấp-từ cấp cao như ông Đinh La Thăng đến cấp nhỏ như ông Lê Phước Hoài Bảo, nguyên giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Có thể nói, nhờ vào những quyết tâm “đốt lò” của Đảng, lần lượt những sai phạm đã được lượng hình bởi các án kỷ luật hành chính hoặc bản án của tòa.

Ông Nguyễn Thanh Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 11.3. Ảnh: VTC

Trong thiết chế chính trị của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bên cạnh hoạt động của Ủy ban kiểm tra Trung ương, còn có các cơ quan hành pháp, tư pháp. Thế nhưng, trong thương vụ ngàn tỉ của MobiFone mua AVG, từ đầu tháng 9.2016, theo quyết định của Tổng thanh tra Chính phủ, cơ quan chức năng sẽ thanh tra toàn diện dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), thời hạn thanh tra là 50 ngày. Sau 1 năm rưỡi, ngày 8.3.2018, Ban Bí thư phải “đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, sớm công bố kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật”. Đến vụ chìm ca nô ở Cần Giờ - một vụ việc có dấu hiệu oan sai cho doanh nghiệp - Văn phòng Chính phủ phải ra văn bản lần thứ sáu, yêu cầu Bộ Công an thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm...

Có thể kể ra đây rất nhiều vụ việc được phát hiện, rồi những tuyên bố mạnh mẽ ban đầu của các quan chức được trích dẫn tràn ngập trên mặt báo, sau đó rơi vào im lặng. Đó là nguồn gốc tài sản của Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái; sai phạm của tập đoàn Mường Thanh qua thanh tra ở 21 tỉnh, thành; sai phạm của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế trong vụ thuốc ung thư giả ở VN Pharma; nạn “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương từ cấp tỉnh, huyện, xã ở Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Long An...

Quyết tâm phòng chống tham nhũng của Trung ương Đảng biểu hiện bằng những hành động cụ thể trong từng vụ việc mà hiệu quả của nó cần được nhìn nhận một cách toàn diện: vừa loại bỏ những cán bộ hư hỏng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, qua đó nhằm chấn chỉnh kỷ cương xã hội. Những vụ việc bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian vừa qua, cho thấy các ủy ban kiểm tra Đảng và chính quyền địa phương gần như đánh mất vai trò giám sát và thực thi chức trách của mình. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối trong bộ máy Đảng và chính quyền, thường được các văn bản mô tả là “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”...

Trong hội nghị Chính phủ trước thềm năm mới (28.12.2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, năm 2018 Chính phủ lấy 10 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” làm phương châm cho hoạt động điều hành đất nước.

Kỷ cương không chỉ là việc siết chặt kỷ luật hành chính mà còn phải đảm bảo cho hệ thống quy phạm pháp luật được thực thi công bằng và nghiêm minh. Trong khi dư luận đang nóng lên về những tài sản kếch xù của quan chức thì Thanh tra Chính phủ lại đề xuất quy định mới trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), và đề nghị đánh thuế “tài sản bất minh” với thuế suất 45%. Đây là một bộ luật nhằm ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng của cán bộ công quyền mà mở ra một điều khoản “phân bổ” lại tài sản kê khai không trung thực, thì có khác nào bảo kê cho hành vi tham nhũng?

Tổng bí thư đã chỉ đạo: Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ cả về kỷ luật Đảng, hành chính, kinh tế và hình sự qua các vụ việc.

Vì vậy, để thành quả bài trừ tham nhũng phát huy đầy đủ tác dụng chính trị của nó, thì kỷ cương cần được chấn chỉnh một cách toàn diện, không chỉ là các vụ án đại tham nhũng mà phải bắt đầu từ việc xây dựng công cụ pháp lý, đến quyết tâm hành động từ cơ sở Đảng, đến các cơ quan hành pháp và tư pháp nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý những vụ việc sai phạm dù nhỏ nhất trong Đảng và ngoài xã hội.

Duy Thông

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bai-tru-tham-nhung-va-vai-tro-cua-bo-may-nha-nuoc-12954.html